Theo Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam năm 2023, phương diện đầu tư vốn cho hoạt động khoa học - công nghệ đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn thấp và có xu hướng giảm. Con số được ghi nhận về mức đầu tư R&D so với GDP của Việt Nam chỉ còn 0,4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á.
Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam 2023 cho thấy bức tranh đầu tư 9 tháng đầu năm 2023 không có nhiều tiến triển lớn. Hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam tiếp tục chững lại, đánh dấu mức giảm hai năm liên tiếp kể từ năm 2021. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị các thương vụ giảm 13%, đạt tổng cộng 427 triệu USD.
Năm 2023, Việt Nam xếp hạng 66 toàn cầu về mức đầu tư R&D, giảm 7 bậc so với năm ngoái, xếp hạng thấp hơn cả năm 2021. Con số được ghi nhận về mức đầu tư R&D so với GDP của Việt Nam là 0,4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á.
Xu hướng này thể hiện rõ ràng hơn ở mức giảm mạnh 40% trong số lượng thương vụ, chạm mức thấp nhất kể từ năm 2018 với 56 giao dịch được ghi nhận. Số lượng giao dịch cũng đã giảm đáng kể ở các thương vụ với quy mô gọi vốn nhỏ và trung bình, với mức giảm đáng kể nhất là 50% trong các thương vụ có giá trị dưới 500 nghìn USD.
Trong khi đó, các nước trong cùng khu vực đã có sự gia tăng về nguồn vốn đầu tư vào hoạt động này, và nhanh chóng vươn lên trên bảng xếp hạng như: Thái Lan: 1,3% (tăng 4 hạng), Singapore 2,2% (tăng 3 hạng), Malaysia 1%, Philippines 0,3% (tăng 2 hạng), Indonesia 0,3% (tăng 1 hạng).
Trong một tuyên bố vào năm 2021, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Datuk Seri Mohamed Azmin Ali tuyên bố việc tăng cường đầu tư R&D quốc gia (NIA) là ưu tiên hàng đầu để tái tạo môi trường đầu tư của Malaysia. Ông Azmin Ali nhấn mạnh rằng khát vọng này sẽ tạo nền tảng cho việc Malaysia trở thành một trung tâm đầu tư đa dạng thông qua phát triển các sản phẩm và dịch vụ hiện đại, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu và phát triển trong nước.
Năm 2023, khoản ngân sách được điều chỉnh của Malaysia cao nhất trong lịch sử, lên tới 388,1 tỷ ringgit (RM), tương đương 87,5 tỷ USD. Bộ trưởng Tài chính Malaysia cho biết 74,8% ngân sách sẽ được sử dụng cho chi tiêu hoạt động và 25,2% còn lại dành cho chi tiêu phát triển. Ngân sách 2023 sẽ tập trung đầu tư vào hệ sinh thái doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), giải quyết vấn đề chi phí sinh hoạt cao, tăng cường mạng lưới an sinh xã hội.
Năm 2023, đầu tư cho R&D của Thái Lan chiếm 1,1% GDP cả nước. Được biết, mức đầu tư R&D trung bình thế giới đạt 2,3% GDP. Điều đó lí giải cho Chỉ số Hệ sinh thái Khởi nghiệp Toàn cầu của Thái Lan xếp thứ 52, tăng một bậc so với năm trước. Đây cũng là năm thứ 3 Thái Lan giữ vững thứ hạng 43 toàn cầu về Chỉ số Đổi mới Sáng tạo GII kể từ năm 2021.
Trước sự suy yếu của nền kinh tế thế giới, cộng đồng đã chứng kiến sự ra đi của hàng ngàn doanh nghiệp khi họ không còn khả năng duy trì cũng như tìm ra hướng đi mới để vượt qua khó khăn. Trong bối cảnh đó, sự hạn chế trong đầu tư R&D tại Việt Nam vô tình trở thành yếu điểm của các doanh nghiệp nội địa ngay trên “sân nhà”.
Khảo sát CEO Toàn cầu thường niên cho thấy, hướng tiếp cận của các CEO khu vực châu Á Thái Bình Dương đang tập trung nhiều hơn vào việc giải quyết các rủi ro ngắn hạn. Điều này được phản ánh qua việc các CEO cảm thấy ít bị tác động từ lạm phát (giảm 21%), biến động kinh tế vĩ mô (giảm 9%), xung đột địa chính trị (giảm 12%).
Xu hướng này tạo ra sự phân hóa rõ rệt về mức độ áp dụng công nghệ mới. Chỉ số NTAI (New Tech Adoption Index) được công bố bởi GfK cho thấy điểm tương đồng giữa việc đầu tư vào R&D của một quốc gia so với mức độ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia đó.
Chỉ số NTAI của Singapore đứng thứ 2 trong khu vực châu Á Thái Bình Dương cho thấy tương quan với giá trị của hệ sinh thái Singapore đã tăng 61%, vượt qua tỷ lệ tăng trưởng trung bình toàn cầu là 47%. Sự sẵn lòng và khả năng của Singapore trong việc chấp nhận công nghệ mới đưa quốc gia này lọt top 10 quốc gia hàng đầu về khởi nghiệp, tăng tới 10 bậc (từ vị trí thứ 18 lên vị trí thứ 8), được coi là sự tăng trưởng đáng kể nhất bảng xếp hạng.
Chỉ số NTAI cũng chỉ ra Việt Nam thuộc nhóm quốc gia còn “dè chừng” trong việc áp dụng công nghệ mới. Dù chi R&D của top 3 doanh nghiệp lớn có sự cải thiện đáng kể, xếp hạng 29, tăng 9 bậc so với năm 2022, Việt Nam vẫn cần có một động lực mạnh mẽ để thúc đẩy tăng cường đầu tư vào R&D cũng như năng lực và sức mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa.
Với vị trí 46/132 trên bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (WIPO), Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Đây chính là bước đệm cho năm 2024 đầy hứa hẹn đối với việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) khi các doanh nghiệp đã nhận ra rằng để tồn tại và phát triển, họ cần phải thay đổi tư duy và nhận thức về tầm quan trọng của việc này.
Vai trò của chính phủ trong việc thúc đẩy đầu tư vào Nghiên cứu và Phát triển (R&D) là vô cùng quan trọng trong việc xây dựng một nền kinh tế đổi mới sáng tạo và bền vững. Chính phủ đóng vai trò mở đường và tạo điều kiện cho việc phát triển R&D ở mức độ cả quốc gia và cơ sở.
Bắt đầu triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 từ năm trước, Chính phủ Việt Nam đã tích cực đề xuất và thực hiện những dự án nâng cao năng lực Đổi mới sáng tạo của quốc gia như Áp dụng Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII), điều chỉnh Luật Sở hữu trí tuệ
Tháng 10/2023, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cơ sở Hòa Lạc được khánh thành. NIC Hòa Lạc được xây dựng với quy mô hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kết nối giữa các doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ.
Các trung tâm nghiên cứu là mắt xích quan trọng nhằm hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài NIC, còn có Trung tâm giám sát, điều hành thông minh thành phố Đà Nẵng (Trung tâm IOC) giúp nâng cao khả năng giám sát, điều hành, ra quyết định và quản lý chất lượng dịch vụ nhằm tăng hiệu quả, cơ hội phát triển các ngành, lĩnh vực và kinh tế - xã hội.
Ngày 11-9-2023 vừa qua đánh dấu một cột mốc lịch sử trong quá trình Đổi mới sáng tạo của Quốc gia, khi Việt Nam và Mỹ đã thiết lập mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Đầu tháng 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Úc Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện. Mối quan hệ hợp tác là cơ hội, tiềm năng mới để doanh nghiệp các nước thúc đẩy hợp tác, dành nguồn lực ưu tiên cho các lĩnh vực đầu tư mới, nhất là chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo và kinh tế tuần hoàn.
Những động thái tích cực này được xem là tín hiệu đáng mừng báo hiệu cho sự tăng trưởng trong hoạt động đầu tư R&D. Điều này mang đến cơ hội tăng trưởng kinh tế, phát triển kỹ năng và tiếp cận với các công nghệ hàng đầu. Năm 2024 được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự đột phá trong việc đầu tư R&D, nhất là khi bản thân các doanh nghiệp nội địa đang thay đổi tư duy và nhận thức về tầm quan trọng của việc đầu tư này.
Nhi Thiệu
Đọc thêm về những điểm nổi bật của môi trường kinh tế vĩ mô Việt Nam nói chung và thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng trong Báo cáo Đổi mới sáng tạo Mở 2023. Báo cáo cung cấp cơ sở dữ liệu chiến lược cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, tổng hợp các tiềm năng và thách thức đối với các doanh nghiệp và tập đoàn thông qua các xu hướng đổi mới sáng tạo và công nghệ trên toàn cầu. Bên cạnh đó, báo cáo cũng đề xuất một số phương pháp và hướng dẫn để hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo.