Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, theo báo cáo mới nhất từ StartupBlink về “Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2024”. Hệ sinh thái startup của Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, đã có những bước tiến vượt bậc, giúp Việt Nam xếp hạng thứ 56 trên thế giới.
Năm 2024 ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế. Sau khi tụt 4 bậc vào năm 2023, Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng ấn tượng, leo 2 bậc lên vị trí thứ 56 trong Bảng xếp hạng. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí thứ 5, khẳng định vai trò là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư khởi nghiệp trong khu vực.
Đặc biệt, Việt Nam lọt vào top 31 toàn cầu về số lượng startup được chấp nhận bởi Y Combinator - một trong những tổ chức ươm tạo khởi nghiệp hàng đầu thế giới - là minh chứng cho tiềm năng sáng tạo và khả năng cạnh tranh của cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Bảng xếp hạng này cũng chỉ ra những thành phố Startup toàn cầu và Việt Nam có 3 đại diện là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Lần đầu tiên, Việt Nam có ba thành phố lọt vào top 1.000 của bảng xếp hạng. Đà Nẵng gia nhập cùng hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh,, cho thấy sự phân bố toàn diện, rộng khắp của các hoạt động khởi nghiệp trên cả nước.
Tuy là hệ sinh thái non trẻ nhưng cùng với Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng được Trung ương xác định là một trong ba hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của cả nước. Giữ vai trò trung tâm của khu vực Miền Trung-Tây Nguyên, Đà Nẵng dần được biết đến là “Trung tâm đổi mới sáng tạo bên bờ biển”. Sự hiện diện của Đà Nẵng trong top 1.000 là minh chứng cho những nỗ lực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố trong những năm qua. Đà Nẵng đã tập trung thu hút đầu tư, hỗ trợ startup và xây dựng môi trường khởi nghiệp thuận lợi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển.
CLICK để đọc thêm về chiến lược phát triển, những điểm sáng trong Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đà Nẵng tại bài viết: Đà Nẵng - Trung tâm Đổi mới sáng tạo bên bờ biển từ BambuUP
Bên cạnh sự xuất hiện mới của Việt Nam, 2 đại diện Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, hai đầu tàu kinh tế của Việt Nam, cũng là những trung tâm trong hệ sinh thái khởi nghiệp năng động của đất nước, trụ vững trên bảng xếp hạng. Sự cạnh tranh giữa TP.HCM và Hà Nội được thể hiện qua điểm số sát nhau trong bảng xếp hạng StartupBlink 2024.Tuy nhiên, cạnh tranh không chỉ là rào cản mà còn là động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp. Cạnh tranh buộc các startup phải không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để thu hút khách hàng và nhà đầu tư. Chính từ động lực ngầm đó, Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: lần lượt giữ vị trí thứ 6 và thứ 7 trong bảng xếp hạng khởi nghiệp Đông Nam Á. Hai thành phố đều sở hữu hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng, phong phú với nhiều startup tiềm năng, thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
TP.HCM ghi dấu ấn mạnh mẽ khi lọt top 100 thế giới ở 4 lĩnh vực: Fintech, Edtech, Thương mại điện tử & Bán lẻ và Vận tải. Cụ thể, Thành phố Hồ Chí Minh nổi bật xếp vị trí thứ 54 trong lĩnh vực Fintech, thứ 62 trong Edtech, thứ 71 trong Thương mại điện tử & Bán lẻ và thứ 87 trong Vận tải. Thành tích này cho thấy sự phát triển vượt bậc của hệ sinh thái khởi nghiệp TP.HCM trong các lĩnh vực công nghệ cao, khẳng định tiềm năng to lớn trong việc thu hút đầu tư và tạo dựng vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Thủ đô giữ vị trí thứ 6 tại Đông Nam Á và lọt top 100 toàn cầu trong lĩnh vực Blockchain. Đây là minh chứng cho năng lực sáng tạo và khả năng thích ứng của các startup Hà Nội trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến.
Theo StartupBlink, Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam sở hữu tiềm năng phát triển lớn, chủ yếu nhờ vào quy mô thị trường rộng lớn của nền kinh tế trong nước. Điều này cho phép các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công tại Việt Nam vẫn đạt được lợi nhuận ngay cả khi không mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế. Gần đây, Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn đối với các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển địa điểm kinh doanh bởi hai lý do chính:
Một số thách thức chính mà cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam đang phải đối mặt là thiếu hụt lao động có trình độ, thiếu các doanh nghiệp khởi nghiệp đạt quy mô lớn, và việc cải cách về mặt pháp lý diễn ra chậm. Ngoài các quỹ và khoản vay hiện có, Chính phủ cần đầu tư nhiều hơn vào đào tạo và giáo dục để xây dựng một nguồn nhân lực lành nghề hơn. Việt Nam cũng cần tiếp tục cải cách pháp lý nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh thân thiện hơn cho các nhà đầu tư và nhà phát triển, từ đó tiếp tục thu hút các doanh nghiệp số tại Việt Nam. Càng trở thành một xã hội mở và không hạn chế Internet, môi trường khởi nghiệp của Việt Nam càng dễ dàng phát triển.
StartupBlink cũng chỉ ra những lĩnh vực đang phát triển, thu hút các nhà đầu tư hiện nay tại Việt Nam gồm thương mại điện tử, fintech, foodtech, giải pháp cho doanh nghiệp và thông tin dịch vụ công nghệ. Với sự hiện diện của các công ty khởi nghiệp đạt định giá trên 1 tỷ USD (unicorn) như MoMo và Sky Mavis, Việt Nam đang khẳng định vị thế là một cường quốc khởi nghiệp tại khu vực Đông Nam Á.
Quý Doanh nghiệp có thể tìm đọc các dữ liệu, phân tích trong báo cáo về “Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2024” - CLICK TẠI ĐÂY
Trúc Uyên