4 nền kinh tế/lĩnh vực mới thúc đẩy phát triển bền vững doanh nghiệp cần lưu tâm

📌 Innovations Of The Week (Tuần 1/Tháng 7): Những nền kinh tế bền vững từ sen, dế, rong biển, nấm đang tạo ra nhiều sản phẩm đổi mới sáng tạo đầy giá trị, và Việt Nam cũng đang bước vào cuộc chơi.  4 startup tiên phong trong bản tin tuần này đến  từ các lĩnh vực: Thời trang, thực phẩm, công nghệ sinh học,... được kỳ vọng sẽ là những cánh sếu đầu đàn, dẫn dắt và phát triển những nền kinh tế mới. 

1. Nền kinh tế sen: Hơi thở mới cho ngành thời trang Việt 

Sen - loài hoa biểu tượng cho vẻ đẹp thanh tao, thuần khiết của Việt Nam, không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn tiềm năng kinh tế to lớn. Sen không chỉ là biểu tượng của văn hóa và tâm hồn, mà còn khơi gợi sự cảm giác yên bình và giản dị. 

Với đặc tính dễ trồng, dễ thích nghi với nhiều điều kiện khí hậu, sen có mặt ở mọi miền tổ quốc, từ núi non đến đồng bằng, từ Ninh Bình đến Huế, từ Hậu Giang đến Đồng Tháp.Các sản phẩm từ sen như hoa, hạt, củ, lá... từ lâu đã được sử dụng rộng rãi trong đời sống. Nhận thấy tiềm năng to lớn của nguồn nguyên liệu này, Faslink đã tập trung nghiên cứu và phát triển các sản phẩm ứng dụng từ sen, đặc biệt là sợi vải sen.

Thành lập từ năm 2008, Công ty Cổ phần Kết nối Thời trang (FASLINK) được biết đến là doanh nghiệp tiên phong đầu tư mạnh cho R&D và cho ra thị trường nhiều loại sợi vải xanh từ sen, bã cà phê, bạc hà, chai nhựa PET…  Faslink cũng là một doanh nghiệp tiên phong triển khai nhiều hoạt động ĐMST bài bản trong doanh nghiệp, với sự tư vấn từ BambuUP. Faslink hiện có 5 loại sợi vải 'xanh' từ tự nhiên, bao gồm: sợi cà phê, sợi sen, sợi vỏ sò, sợi dừa, sợi bạc hà được xử lý bằng công nghệ hiện đại, mang lại đặc tính vượt trội về độ mềm mịn, bền đẹp và thời trang.

.

Tổng Giám Đốc Faslink - bà Trần Hoàng Phú Xuân chia sẻ:" Hành trình tạo nên những sợi vải xanh từ bã cà phê, lá và thân sen, vỏ sò, than vỏ dừa, cellulose bạc hà…của chúng tôi; không chỉ bắt nguồn từ ý tưởng và xu hướng trong kinh doanh mà gắn liền với sự đam mê, khát vọng mạnh mẽ phát huy giá trị của những nguyên liệu được xem là bình thường, ít giá trị trong tự nhiên. Những sợi vải xanh đã tạo nên những bước đi mới, thúc đẩy sự phát triển sáng tạo trong ngành công nghiệp dệt may và thời trang"

Faslink cũng là những người tiên phong trên thế giới làm ra chiếc sơ mi sen. Bộ phận R&D Faslink đã phát hiện lượng lớn Ion âm và collagen trên lá sen và ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại để chuyển giao và tích hợp vào trong cellulose sợi vải mang đến cảm giác thoải mái cho người mặc. Vải sen giúp tăng cường ion âm và collagen. Vải sen, làm từ lá và hạt sen, khi thành phẩm là sơ mi, quần áo lót, khăn choàng sẽ cho người mặc cảm giác mềm, thật mịn và mát.

Ông Võ Thành Phước – Trưởng phòng R&D của Faslink chia sẻ: “Vải sợi sen của Faslink không phải sản xuất từ tơ của thân sen như mọi người nghĩ. Nếu chúng ta làm theo phương thức truyền thống như thế sẽ cho sản lượng rất thấp và giá thành sẽ rất cao. Theo đó, Faslink đã lấy thân và lá cây sen, nghiền ra thành bột và cho vào một dung môi đặc biệt, sau đó mang đi kéo sợi”, 

Vải sen Faslink không chỉ là một bộ sưu tập sản phẩm đơn thuần, mà còn là một câu chuyện kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên, là hành trình dài doanh nghiệp Việt Nam tạo nên những bước đi mới, thúc đẩy sự phát triển sáng tạo trong ngành công nghiệp dệt may và thời trang.


2. Nền kinh tế dế: Tận dụng từ chân đến phân dế, nâng cấp món ăn chơi vùng quê thành công nghiệp thực phẩm mới

Theo Liên Hiệp Quốc, với tình hình gia tăng dân số thế giới hiện nay, sản lượng nông nghiệp phải tăng ít nhất 70% để đáp ứng nhu cầu về lương thực. Chính vì thế, một nguồn protein thay thế hiệu quả và ít gây hại với môi trường là điều hết sức cần thiết. Một trong số những nguồn cung cấp protein thay thế có tiềm năng là côn trùng, cụ thể là dế mèn.

Việc dùng côn trùng làm thực phẩm đã phổ biến trong suốt lịch sử phát triển của nhân loại, và ước tính có khoảng 2 tỷ người trên thế giới đưa côn trùng vào chế độ ăn thường ngày của họ. Tuy nhiên ở nhiều nơi, việc này vẫn khiến nhiều người nghi ngại, đặc biệt là các nước phương Tây.

Ngành chăn nuôi dế mèn ở Việt Nam đã xuất hiện từ 20 năm trước nhưng vẫn chưa thể trở thành một ngành công nghiệp bởi quy mô nhỏ, sản lượng thấp và chưa tạo ra được sản phẩm có giá trị cao.

Nắm bắt được xu hướng này, startup Cricket One của Việt Nam đã đưa ra phương pháp chăn nuôi dế mèn trong container để sản xuất protein cho người và thú cưng. Cricket One là một công ty khởi nghiệp được thành lập vào năm 2016 tại Việt Nam với sứ mệnh cung cấp nguồn protein bền vững và dồi dào cho con người thông qua việc nuôi và chế biến dế. CricketOne cũng đã được listing trên BambuUP.com

Cricket One sử dụng các container cũ được cách nhiệt và chia thành những ô nhỏ nuôi dế. Hệ thống này được trang bị các cảm biến giám sát nhiệt độ, độ ẩm thông qua internet, và tự động điều khiển các thiết bị thông gió, đèn hồng ngoại sưởi ấm.

.

Nhờ vậy, mỗi tháng công ty có thể thu hoạch 500 kg dế/container. Mỗi hecta có thể sản xuất 12 tấn dế mỗi năm, mang lại thu nhập trên 300 triệu VND cho người dân, cao hơn nhiều so với mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống.

Hiện tại, nhà máy của Cricket One đang sản xuất 5 dòng sản phẩm: dế nguyên con bỏ chân cánh và râu để làm snack; bột dế tách dầu – nguyên dầu – siêu mịn; sản phẩm mới – vừa ra mắt là thịt dế tái cấu trúc có nhiều đạm và vitamin và khoáng chất.

"Vòng đời của dế kéo dài từ 42 đến 45 ngày, từ trứng nở ra con và đến lúc thu hoạch. Dựa vào tập quán và bản năng sinh hoạt của dế, chúng tôi đã tạo ra môi trường mô phỏng môi trường tự nhiên mà dế sinh sống ở trong các nông trại dế của Cricket One và các nông hộ vệ tinh.

Ví dụ, dế thích có nhiều hang hốc và không thích có nhiều ánh sáng, vậy nên chúng tôi đã tự thiết kế 'chung cư dế' từ hộp xốp đựng trứng hoặc từ hộp nhựa. Ngoài ra, chúng tôi cũng căn cứ vào độ tuổi của dế để thiết kế 'nhà' – thùng nhựa cho phù hợp, từng đó tuổi là dế thích đi xa sẽ ở thùng to, thời gian đó dế ít thích vận động sẽ ở thùng nhỏ", Bicky Nguyen cho biết.

Hiện tại, Cricket One bán cả bột dế (4 loại) để làm nguyên liệu cho các loại thực phẩm và dế nguyên con để làm snack ăn vặt. Chúng tôi bán chủ yếu qua kênh B2B và thị trường chính vẫn ở nước ngoài. Hiện sản phẩm của Cricket One đã bán ra 20 nước.

Cricket One đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp protein côn trùng hàng đầu thế giới, góp phần giải quyết vấn đề an ninh lương thực và bảo vệ môi trường.


3. Tiềm năng của rong biển: Biến rong biển thành bao bì phân hủy sinh học


Một báo cáo gần đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD cho thấy, với tốc độ hiện tại, lượng rác thải nhựa trên toàn thế giới sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2060 lên một tỷ tấn mỗi năm, phần lớn trong số đó sẽ gây ô nhiễm đại dương và đe dọa nhiều giống loài. Vậy nên,  sẽ thật hữu ích nếu có thể tạo ra một loại bao bì có thể phân hủy tự nhiên - thậm chí ăn được. Công ty khởi nghiệp tại Anh mang tên Notpla đang hiện thực hóa ý tưởng này bằng chính rong biển.

Notpla do Pierre Paslier và Rodrigo Garcia Gonzalez thành lập tại một nhà bếp sinh viên năm 2014. Sản phẩm đầu tiên của cặp đôi này là "Ooho" — một "bong bóng nước" làm từ clorua và tảo biển có thể ăn được. Họ cho biết phát minh này chống lại rác thải nhựa bằng cách sản xuất bao bì có khả năng phân hủy sinh học.

Anh Pierre Paslier - Đồng sáng lập công ty Notpla chia sẻ: "Từ lâu tôi đã ôm ấp ý tưởng làm thế nào có thể tạo ra bao bì trông giống như những gì ta tìm thấy trong tự nhiên. Vì vậy, chúng tôi đã bắt đầu trong chính căn bếp của mình, thử rất nhiều nguyên liệu tự nhiên khác nhau, từ hạt sắn đến các loại tinh bột. Và cuối cùng, chúng tôi tìm thấy rong biển".

Paslier chia sẻ về sứ mệnh của mình: "Rõ ràng nhựa hiện có giá rất thấp trên thị trường, nhưng những tác động của nó gây ra đối với hệ sinh thái, sức khỏe con người hoặc sinh vật biển thì lại rất lớn. Vì vậy, những gì chúng tôi muốn là mang lại một giải pháp đóng gói bền vững mà giá lại phải chăng. Rong biển có tiềm năng thực sự tốt để trở thành giải pháp hợp lý nhất". 

.

Công ty này đã khởi nghiệp với sản phẩm màng bọc thực phẩm ăn được làm từ rong biển, bên trong trữ nước hoặc bất kỳ chất lỏng nào khác, có thể thay thế cho cốc, chai và túi nylon dùng một lần. Trong năm 2022, Notpla đã sản xuất hơn 1 triệu bao bì thức ăn từ rong biển cho nền tảng giao hàng JustEat. Dự kiến, họ sẽ thay thế hơn 100 triệu bao bì nhựa trong tương lai.

Hạt nhựa làm từ rong biển mang trong mình khả năng phân hủy sinh học vượt trội và thậm chí ăn được. Cụ thể, chỉ mất từ 4-6 tuần để các thành phẩm làm từ loại hạt liệu này có thể phân hủy hoàn toàn thành các chất có lợi cho cây trồng. Điều này có thể đánh bại thực tế rằng cần đến hàng trăm năm để các loại nhựa tổng hợp, mà con người đang sử dụng, có thể phân hủy.

Hạt nhựa làm từ rong biển mở ra tiềm năng lớn bởi việc nuôi trồng rong biển không cần cạnh tranh đất canh tác nông nghiệp, không mất nhiều thời gian để phát triển và không cần bón phân hay tưới nước. Theo thông tin nhà đồng sáng lập Notpla cung cấp, một trong các loại rong biển mà họ sử dụng có thể mọc dài tới 1m mỗi ngày. Từ đó, biến rong biển trở thành một nguồn nguyên liệu dồi dào, có chi phí sản xuất rẻ cho ngành công nghiệp sản xuất nhựa sinh học.

Với ý tưởng sản xuất bao bì từ rong biển, startup Notpla đã vinh dự là một trong những người chiến thắng giải thưởng khí hậu Earthshot- giải thưởng môi trường lớn nhất từ ​​trước đến nay do Hoàng tử và Công nương xứ Wales tổ chức. 

4. Tiềm năng của nấm: Sản phẩm bao bì làm từ công nghệ sợi nấm

Không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh những chiếc hộp, chiếc cốc dùng một lần trên đường phố. Nhờ tính linh hoạt, dễ mua với giá thành rẻ, sản phẩm nhựa dùng 1 lần đã trở thành một vật dụng vô cùng quen thuộc trong thói quen tiêu dùng của người Việt. Hàng nghìn cốc nước mía, trà sữa hay cốc chè được bán ra mỗi ngày cũng là chừng ấy những chiếc cốc nhựa bị vứt ra ngoài môi trường.

Theo kết quả điều tra của các nhà khoa học Mỹ và Canada, các loại cốc nhựa dùng một lần trên toàn thế giới đều được sản xuất từ loại nhựa gọi là Polystyrene có màu trắng, nhẹ, tính dẻo. Nhờ những đặc tính trên mà Polystyrene rất được ưa chuộng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Nhưng các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng chất Polystyrene là một loại chất độc, nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng và đặc biệt là có liên quan đến bệnh ung thư. Giải pháp thay thế polystyrene có khả năng phân hủy sinh học 100% đang được kỳ vọng sẽ giảm thiểu được những ảnh hưởng tiêu cực của Polystyrene. Một công ty startup ở Anh đã tiên phong triển khai sản xuất quy mô lớn bao bì làm từ sợi nấm, hoàn toàn không nhựa. 

Magical Mushroom Company (MMC) đã triển khai sản xuất quy mô lớn bao bì phân hủy sinh học có nguồn gốc từ nấm, một giải pháp thay thế không chứa nhựa có khả năng phân hủy bằng cách chôn ủ tại nhà. Bao bì loại này có hiệu quả tương đương và chi phí vô cùng cạnh tranh so với polystyrene truyền thống, hiện đang được sử dụng để bảo vệ nhiều loại hàng hóa từ các thiết bị đồ bếp, mỹ phẩm đến đa dạng các loại sản phẩm tiêu dùng hàng ngày, bao gồm cả thương hiệu rượu gin không cồn của Diageo, Seedlip.

Paul Gilligan, người sáng lập và Giám đốc điều hành công ty chia sẻ “Chúng tôi tự gọi mình là the Magical Mushroom Company vì một lý do: Những loại đặc điểm độc đáo của Mycellium (sợi nấm) thực sự vô cùng kì diệu, chúng cho phép chúng tôi sản xuất ra một loại bao bì bền, chi phí tối ưu và là một giải pháp thay thế hoàn toàn bền vững đối với bao bì polystyrene mà lại có khả năng phân hủy sinh học trong vườn nhà chỉ với 40 ngày.”

.

Bao bì này được sản xuất với công nghệ tổng hợp sợi nấm, là sản phẩm tiên phong và được cấp bằng sáng chế của công ty Ecovative Design LLC của Mỹ. Quy trình này bắt đầu từ việc lấy chất thải sau chế biến từ các sản phẩm nông nghiệp như cây gai dầu, hoa bia, ngô và gỗ, sau đó kết hợp chúng với sợi nấm – hệ thống rễ của nấm. Những nguyên liệu sống này sau đó được tạo hình bằng cách sử dụng khuôn 3D, sau đó được nung, làm cứng, ngăn chặn quá trình phát triển thêm. Toàn bộ quá trình từ thiết kế đến nguyên mẫu chỉ mất 14 ngày.

Với việc polystyrene gây ra tác hại to lớn đến môi trường, một giải pháp thay thế khả thi về mặt thương mại và thực tế là điều vô cùng cần thiết. Bao bì do MMC sản xuất có khả năng phân hủy sinh học hoàn toàn tại nhà và phân hủy trong đất trong vòng 40 ngày. Sản phẩm này cũng có thể phân hủy hoàn toàn trong nước trong vòng 180 ngày, chứng tỏ tiềm năng lâu dài góp phần giảm đáng kể mức rác thải nhựa trong đại dương.


Kể từ năm 2020, MMC đã sản xuất hơn 2.500.000 bao bì Mushroom® và tính đến năm 2023, MMC đã loại bỏ hiệu quả hơn 5.000 tấn bao bì EPS khỏi bãi chôn lấp. MMC hiện đang hợp tác với thương hiệu lớn có định hướng rõ ràng trong việc giảm thiểu tác động tới môi trường như Lush Cosmetics, Raine Marine, Bodyshop, Seedlip (thuộc tập đoàn Diageo) và nhà thiết kế thời trang cao cấp Tom Dixon.

Đã copy link

Chia sẻ:

Tin tức liên quan

Bìa 1.png
Thứ 6, 24/01/2025

Công nghệ giúp đối mặt với rối loạn tâm lý

Vấn đề sức khỏe tâm lý và cảm xúc ngày nay đang trở nên báo động khi tỷ lệ rối loạn tâm lý như trầm cảm và lo âu gia tăng đáng kể. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 264 triệu người trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi trầm cảm, trong đó nhiều người không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc phù hợp. Áp lực từ công việc, học tập và sự thay đổi xã hội nhanh chóng là những yếu tố góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng này, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về các giải pháp hỗ trợ sức khỏe tâm lý toàn diện và dễ tiếp cận. Để giải quyết những vấn đề này, rất nhiều startup đã thúc đẩy những sáng kiến sáng tạo để cái thiện đời sống tâm lý của mọi người.
Bìa 1.png
Thứ 6, 17/01/2025

Tương lai mới của thực phẩm: Muôn hình vạn trạng của Protein

An ninh lương thực đang đối mặt với áp lực lớn khi nhu cầu lương thực tăng cao, trong khi các trại chăn nuôi gây ra phát thải khí nhà kính khổng lồ, tiêu tốn tài nguyên và làm suy thoái môi trường. Bên cạnh đó, vấn đề đạo đức trong giết mổ động vật ngày càng được chú ý, đặt ra câu hỏi về cách cân bằng giữa nhu cầu thực phẩm và trách nhiệm với môi trường, động vật, và xã hội. Đọc ngay về 4 startup tiên phong trong FoodTech tuần này!
Bìa 1.png
Thứ 6, 10/01/2025

Khám phá tài nguyên từ tiềm năng của chất thải động vật

Chất thải động vật, đặc biệt từ ngành chăn nuôi quy mô lớn, là nguồn phát thải khí nhà kính quan trọng, trong đó methane chiếm phần lớn. Theo báo cáo của FAO, ngành chăn nuôi đóng góp khoảng 18% tổng phát thải khí nhà kính toàn cầu, với một phần lớn đến từ chất thải động vật. Nếu không được xử lý đúng cách, phân động vật có thể gây ô nhiễm nguồn nước, đất, phát sinh mùi hôi, và tăng nguy cơ ô nhiễm không khí. Có những giải pháp nào đã được tập trung phát triển bởi các startup trên thế giới, để biến chúng thành nguồn “tài nguyên hữu cơ” hiệu quả?