Đòn bẩy số cho giáo dục toàn diện

 

Học tập - ngọn lửa soi đường cho tương lai - chưa bao giờ nguội nhiệt qua bao thế kỷ. Nhưng giữa kỷ nguyên số bùng nổ, những 'vùng tối' công nghệ vẫn âm thầm khoét sâu khoảng cách, đè nặng lên vai người thầy với việc biến hóa giáo án. Những khó khăn thầm lặng ấy liệu có lời giải?

Innovation of the week tuần này sẽ hé lộ những công nghệ tiên phong, giải quyết những 'điểm mù' này, vì một tương lai học tập hiệu quả hơn.

1. EDSIGHTS: Nhìn rõ Insight bỏ học đại học bằng AI

Tỷ lệ sinh viên bỏ học đại học là một vấn đề nhức nhối tại Hoa Kỳ, với gần 40% sinh viên năm nhất không hoàn thành chương trình trong vòng tám năm. Ước tính mỗi năm có khoảng 32,9% sinh viên bỏ học, gây ra những tổn thất kinh tế và làm suy giảm nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt, năm đầu tiên đại học là giai đoạn then chốt với tỷ lệ bỏ học trung bình 19-23,3%, con số này còn cao hơn ở các trường cao đẳng cộng đồng (gần 40%). Quyết định bỏ học xuất phát từ nhiều yếu tố phức tạp, trong đó khó khăn tài chính chiếm tỷ lệ cao nhất (30%), bên cạnh đó là các vấn đề học tập, thiếu hỗ trợ, sức khỏe tâm thần, sự gắn kết và trách nhiệm gia đình. 

Nhận thấy thực trạng đáng lo ngại này, EdSights, một startup EdTech đầy sáng tạo, đã ra đời tại thành phố New York, Hoa Kỳ. EdSights cung cấp giải pháp sử dụng chatbot AI để chủ động tương tác và hỗ trợ sinh viên, giải quyết kịp thời các vấn đề họ gặp phải, từ tài chính đến học tập, nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ bỏ học và nâng cao tỷ lệ hoàn thành chương trình.

Startup này được sáng lập bởi hai chị em Claudia và Carolina Recchi, những người đã chuyển từ Ý đến Hoa Kỳ để theo học đại học, họ xuất phát từ chính trải nghiệm cá nhân khi là sinh viên đại học tại Hoa Kỳ và chứng kiến những khó khăn mà các trường đại học gặp phải trong việc hỗ trợ sinh viên. Tính đến năm 2024, EdSights đang phục vụ hơn một triệu sinh viên tại 140 trường cao đẳng. 

Giải pháp của EdSights mang đến hai cấu phần lớn bao gồm: Chatbot hỗ trợ AI và điểm tiếng nói sinh viên (Student Voice Score) 

Chatbot AI sẽ chủ động tương tác với sinh viên qua tin nhắn văn bản, được thiết kế để xác định sinh viên có nguy cơ bỏ học thông qua các câu hỏi liên quan đến sự tham gia học tập, tài chính, sức khỏe tinh thần và cảm giác thuộc về. Sau đó sẽ nhanh chóng hướng dẫn sinh viên tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phù hợp mà nhà trường có thể cung cấp

Điểm tiếng nói sinh viên là khảo sát hàng năm về sự hài lòng và cảm xúc của sinh viên, đóng vai trò là chỉ số chính để đánh giá mức độ an toàn và nguy cơ bỏ học, đồng thời cho phép các trường so sánh hiệu suất với các tổ chức khác.

Nhìn chung, ứng dụng sẽ giúp hỗ trợ từng bạn sinh viên kịp thời và hiệu quả, thể hiện được tính chủ động, giúp nhà trường mở rộng khả năng tương tác với số lượng lớn sinh viên. Cũng như giảm đi những áp lực nhân sự khi số lượng quá tải. 

Tại Đại học Southern New Hampshire (SNHU), EdSights đã giúp tăng tỷ lệ giữ chân sinh viên năm nhất lên 4% nói chung và 12% đối với sinh viên thuộc các nhóm thiểu số. Trung bình, các trường sử dụng EdSights ghi nhận mức tăng 4% trong tỷ lệ giữ chân sinh viên, một số trường đạt mức tăng ấn tượng lên đến 14%.

EDSIGHTS: Nhìn rõ Insight bỏ học đại học bằng AI

Tỷ lệ bỏ học đại học tại Việt Nam cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Khoảng 30% sinh viên bỏ học với nhiều nguyên nhân, bao gồm chọn sai ngành/trường, tài chính... Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn ở một số trường chỉ đạt 70-72%. 

Nhiều trường gặp khó khăn trong việc kiểm soát tỷ lệ thôi học dưới 10-15% mỗi năm. Số lượng thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học cũng đáng kể (hơn 122.000 trong một năm). 

Các nguyên nhân chính bao gồm chọn sai ngành/trường, khó khăn tài chính, kết quả học tập kém, thiếu gắn kết và cơ hội việc làm trước khi tốt nghiệp. Việt Nam hiện đang đẩy mạnh chuyển đổi số và quan tâm đến ứng dụng AI trong giáo dục, với những bước đầu ứng dụng AI trong một số lĩnh vực.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để cải thiện tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học thông qua việc học hỏi kinh nghiệm từ các giải pháp tiên tiến như EdSights. Cách tiếp cận toàn diện và dựa trên công nghệ của EdSights trong việc giải quyết vấn đề sinh viên bỏ học mang đến nhiều bài học giá trị, có thể được điều chỉnh và ứng dụng hiệu quả trong bối cảnh giáo dục đại học Việt Nam.

Một trong những điểm cốt lõi là việc áp dụng chuyển đổi sang phương pháp hỗ trợ sinh viên chủ động và cá nhân hóa hơn. Thay vì thụ động chờ đợi sinh viên tìm đến khi gặp khó khăn, việc chủ động tương tác và nắm bắt sớm những dấu hiệu cảnh báo có nguy cơ bỏ học là vô cùng quan trọng. 

EdSights đã chứng minh hiệu quả của việc sử dụng chatbot AI để thực hiện điều này một cách quy mô và hiệu quả. Các trường đại học Việt Nam, với sự đón nhận ngày càng tăng đối với chuyển đổi số và ứng dụng AI trong giáo dục, hoàn toàn có thể khám phá và triển khai các công cụ tương tự để tiếp cận sinh viên một cách kịp thời.

Bên cạnh đó, việc lắng nghe "tiếng nói" của sinh viên một cách hệ thống và thu thập phản hồi thường xuyên về toàn bộ trải nghiệm của họ, không chỉ giới hạn ở kết quả học tập, là một yếu tố then chốt. 

Để thực sự giảm thiểu tình trạng bỏ học, các trường đại học Việt Nam cần tập trung giải quyết các nguyên nhân gốc rễ, bao gồm khó khăn tài chính, các vấn đề học tập và những thách thức về sức khỏe tinh thần. Đặc biệt là các chương trình định hướng nghề nghiệp từ sớm. 

Cuối cùng, việc xây dựng một cộng đồng trường học gắn kết và nuôi dưỡng cảm giác thuộc về cho sinh viên đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sự gắn bó của họ với trường. Các chương trình định hướng hiệu quả, các hoạt động ngoại khóa phong phú và các sáng kiến kết nối sinh viên có thể được tăng cường để tạo ra một môi trường học tập tích cực và hỗ trợ.

2. Ngôn ngữ hòa nhập: Trao quyền học tập cho tất cả mọi người

Thị trường học ngôn ngữ trực tuyến toàn cầu đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt 91,6 tỷ đô la vào năm 2030. Tuy nhiên, các ứng dụng học ngôn ngữ truyền thống thường bỏ qua một bộ phận đáng kể người học: những cá nhân có đặc điểm thần kinh khác biệt như tự kỷ, ADHD, khó đọc, khó thực hành… ước tính chiếm 15-20% dân số. 

Những người này thường gặp phải những rào cản riêng biệt trong việc tiếp thu ngôn ngữ do sự khác biệt trong nhận thức và phong cách học tập. Ví dụ, người khó đọc gặp khó khăn trong việc nhận biết âm thanh ngôn ngữ, người mắc ADHD khó tập trung với hướng dẫn dài dòng, trong khi người tự kỷ có thể bị quá tải bởi giao tiếp bằng lời nói. Sự thiếu hụt các giải pháp học ngôn ngữ được thiết kế riêng cho nhu cầu của nhóm người học thần kinh đa dạng này dẫn đến sự loại trừ và hạn chế khả năng tiếp cận những lợi ích của việc học.

Nhận thấy sự cần thiết của một cách tiếp cận học ngôn ngữ hòa nhập hơn, Promova, có nguồn gốc từ Ukraina có ý nghĩa "lời nói" hoặc “ngôn ngữ”, đã ra mắt với sứ mệnh là làm cho việc học ngôn ngữ trở nên dễ tiếp cận hơn đến với tất cả mọi người, đặc biệt là những người có đặc điểm thần kinh khác biệt.

Đến cuối năm 2023, Promova đã trở thành ứng dụng học ngôn ngữ đầu tiên giới thiệu chế độ dành riêng cho người mắc chứng khó đọc, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của nhóm người học đặc biệt này. 

Promova hoạt động trong thị trường ứng dụng học ngôn ngữ đang cạnh tranh với các đối thủ lớn như Duolingo, Babbel và Rosetta Stone. Tuy nhiên, sự tập trung chiến lược vào tính hòa nhập và khả năng tiếp cận cho người học có đặc điểm riêng biệt, đã mang lại một điểm khác biệt quan trọng, giúp Promova thu hút một phân khúc thị trường thường bị bỏ qua.

Năm 2024 chứng kiến bước nhảy vọt ấn tượng của Promova trên bản đồ EdTech: 15 triệu lượt tải xuống, 1,8 triệu người dùng hoạt động hàng tháng là minh chứng cho những giá trị Promova mang lại. Ứng dụng này không chỉ nhận được "cơn mưa" lời khen từ cộng đồng người học và còn nằm top các cửa hàng ứng dụng, liên tục nắm trọn những giải thưởng danh giá. Nổi bật trong số đó là vị trí thứ 4 đầy tự hào trong lĩnh vực Giáo dục của bảng xếp hạng Các Công ty Sáng tạo Nhất Thế giới năm 2025 do Fast Company bình chọn, cùng với chiếc cúp EdTechX cho hạng mục Học Ngôn ngữ năm 2024.

Promova

Ứng dụng Promova vận hành dựa trên một quy trình học tập cá nhân hóa và thích ứng nhanh chóng, khởi đầu bằng việc đánh giá trình độ, mục tiêu và phong cách học tập riêng của từng người dùng. 

Thông tin này sau đó sẽ được trí tuệ nhân tạo (AI) của Promova sử dụng để xây dựng một lộ trình học tập độc đáo, liên tục điều chỉnh nội dung để đáp ứng nhu cầu cá nhân. 

Đặc biệt, Promova tiên phong trong việc hỗ trợ người học có đặc điểm thần kinh khác biệt bằng cách giới thiệu chế độ Dyslexia với kiểu chữ Dysfont được thiết kế riêng để giảm nhầm lẫn chữ cái và căng thẳng thị giác, cùng với các tùy chỉnh về kích thước chữ, loại bỏ chữ in hoa và điều chỉnh độ sáng và màu sắc giao diện.

Đối với người dùng có thể gặp khó khăn về tập trung như người mắc ADHD, Promova cung cấp tính năng tiếng ồn trắng và tối ưu hóa giao diện tối giản nhằm giảm thiểu xao nhãng. 

Hơn nữa, ứng dụng không chỉ cung cấp các công cụ học tập cá nhân như thẻ ghi nhớ và luyện nói AI với phản hồi tức thì, mà còn tạo điều kiện cho tương tác xã hội thông qua các buổi gia sư trực tiếp và lớp học nhóm, mang đến một trải nghiệm học tập toàn diện, vừa linh hoạt cá nhân vừa hỗ trợ cộng đồng.

Ở Việt Nam, khái niệm về sự đa dạng thần kinh, mặc dù đang dần được biết đến, nhưng vẫn ở giai đoạn sơ khai so với nhiều quốc gia phương Tây. 

Tuy nhiên, ngày càng có sự công nhận về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần và các tình trạng phát triển thần kinh, đặc biệt là trong giới trẻ, những người có khả năng tiếp cận thông tin toàn cầu tốt hơn thông qua internet.

Hệ thống giáo dục Việt Nam, dù đã có những bước tiến, vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong việc cung cấp một nền giáo dục hòa nhập đầy đủ, đáp ứng hiệu quả nhu cầu đa dạng của tất cả người học, bao gồm cả những người có đặc điểm thần kinh khác biệt. 

Sự khác biệt đáng kể vẫn tồn tại dựa trên các yếu tố như dân tộc, giới tính, thu nhập hộ gia đình và khuyết tật, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận giáo dục chất lượng và kết quả học tập.

Cách tiếp cận của Promova trong việc tích hợp các tính năng như chế độ Dyslexia và tùy chọn tiếng ồn trắng, đã minh họa rõ ràng các nguyên tắc của thiết kế phổ quát cho học tập (UDL)

UDL là một khung lý thuyết quan trọng, hướng dẫn việc thiết kế môi trường và tài liệu học tập sao cho dễ tiếp cận và mang lại lợi ích cho tất cả người học, không phân biệt sự khác biệt cá nhân.

Ba nguyên tắc cốt lõi của UDL – cung cấp nhiều phương tiện biểu đạt, nhiều phương tiện hành động và biểu đạt, và nhiều phương tiện tham gia – đã được Promova ứng dụng một cách sáng tạo. Ví dụ, chế độ Dyslexia cung cấp các hình thức hiển thị văn bản khác nhau, trong khi tính năng luyện nói bằng AI tạo ra một phương tiện tương tác và biểu đạt đa dạng.

Các nhà phát triển công nghệ giáo dục và các nhà thiết kế chương trình giảng dạy tại Việt Nam có thể học hỏi bằng cách chủ động tích hợp các nguyên tắc UDL vào quá trình xây dựng sản phẩm và chương trình của mình. 

Việc thiết kế các giải pháp học tập từ đầu với tính linh hoạt và khả năng tiếp cận sẽ tạo ra các nguồn tài liệu mang tính hòa nhập cao hơn, giảm thiểu nhu cầu điều chỉnh bổ sung cho các nhóm học sinh cụ thể.

Các nhà lãnh đạo giáo dục và công nghệ Việt Nam nên khuyến khích sự hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia giáo dục đặc biệt, các nhà nghiên cứu và quan trọng nhất là chính những người có đặc điểm thần kinh khác biệt cùng gia đình của họ. 

Việc thu hút các bên liên quan này trong suốt quá trình phát triển có thể mang lại những hiểu biết vô giá và đảm bảo rằng các giải pháp tạo ra lấy người dùng làm trung tâm, hiệu quả và phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

3. Brisk Teacher: Giảm 10 giờ áp lực, thêm 10 giờ tận tâm

Theo khảo sát của RAND Corporation, giáo viên tại các trường công lập tại Mỹ từ mẫu giáo đến lớp 12 hiện đang phải làm trung bình 53 giờ mỗi tuần, nhiều hơn 7 giờ so với những người đi làm điển hình khác và 84% giáo viên cho biết họ không đủ thời gian trong giờ làm việc thông thường để lên kế hoạch bài giảng, cộng tác với đồng nghiệp và chấm bài. Đáng chú ý, khoảng một phần tư thời gian làm việc của giáo viên không được trả lương. Điều này có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, thể chất của giáo viên. Sâu hơn là ảnh hưởng đến cả tinh thần, khả năng được học tập của học sinh, sinh viên. 

Trong bối cảnh đó, Brisk xuất hiện như một trợ lý ảo thông minh, được trang bị sức mạnh của trí tuệ nhân tạo (AI), với mục tiêu giảm tải công việc, xoa dịu nỗi lo kiệt sức cho giáo viên và thắp lên nguồn cảm hứng học tập cho học sinh. Start up đầy tiềm năng này được ươm mầm tại Los Altos, California vào năm 2023 bởi đội ngũ sáng lập tài ba, dẫn dắt bởi Arma Jaffer.

Brisk đã có sự tăng trưởng và được chấp nhận nhanh chóng, với hơn một triệu nhà giáo dục đến từ hơn 100 quốc gia đang sử dụng và đã có vòng gọi vốn thành công Series A trị giá 15 triệu đô la vào tháng 3 năm 2025

Brisk là một tiện ích mở rộng (extension) dành cho trình duyệt Chrome, được hỗ trợ bởi AI, được thiết kế để hỗ trợ giáo viên trong nhiều tác vụ khác nhau trong quy trình làm việc trực tuyến với các nền tảng như Google Docs, Slides, Youtube và Canva.

Một trong những ưu điểm nổi bật của Brisk là khả năng tạo nội dung giảng dạy đa dạng bằng cách nhấn vào biểu tượng Brisk và chọn tùy chọn “tạo nội dung”. Sau đó, người dùng chỉ cần nhập chủ đề hoặc từ khóa mong muốn, và AI của Brisk sẽ tự động tạo ra nội dung liên quan một cách thông minh.

Brisk Teacher: Giảm 10 giờ áp lực, thêm 10 giờ tận tâm

Brisk không chỉ dừng lại ở việc tạo nội dung mà còn cung cấp một hệ thống phản hồi đa dạng và hiệu quả ngay trong Google Docs. Giáo viên có thể lựa chọn từ nhiều chế độ phản hồi khác nhau tùy thuộc vào mục tiêu và nhu cầu cụ thể:

Glows & grows: Xác định rõ những điểm mạnh ("Glows") trong bài làm của học sinh và những lĩnh vực cần cải thiện ("Grows").

Targeted: Cung cấp phản hồi chi tiết và cụ thể đối với một đoạn văn bản đã chọn.

Rubric criteria: Căn chỉnh phản hồi một cách chặt chẽ với các tiêu chí đã được xác định trong bảng tiêu chí đánh giá, đảm bảo tính khách quan và minh bạch.

Next steps: Đề xuất các bước hành động cụ thể để học sinh có thể thực hiện các chỉnh sửa và cải thiện bài làm của mình.

Để sử dụng tính năng này, giáo viên chỉ cần chọn đoạn văn bản cần phản hồi trong bài làm của học sinh trên Google Docs và sử dụng Brisk để tạo phản hồi dựa trên chế độ đã chọn. Đặc biệt, phản hồi nhắm mục tiêu có thể tích hợp các nhận xét được căn chỉnh theo bảng tiêu chí đánh giá trực tiếp vào bài viết của học sinh, giúp các em dễ dàng nhận biết và hiểu rõ những điểm cần lưu ý.

Tính năng "Kiểm tra bài viết" hay còn gọi là "Replay" của Brisk mang đến một cái nhìn sâu sắc về quá trình viết của học sinh. Giáo viên có thể xem lại từng bước trong lịch sử chỉnh sửa của học sinh trên Google Docs, bao gồm các thao tác sao chép/dán, các thay đổi nội dung và các chi tiết khác về cách bài viết được hình thành. Bên cạnh đó, Brisk còn tích hợp một công cụ phát hiện bài viết bằng AI, giúp giáo viên nhận biết khả năng học sinh sử dụng AI để hoàn thành bài tập.

Tính năng Replay cung cấp những thông tin giá trị về cách học sinh tiếp cận và thực hiện bài viết, từ đó giúp giáo viên xác định những lĩnh vực mà học sinh có thể đang gặp khó khăn hoặc có dấu hiệu gian lận học thuật. Việc hiểu rõ quy trình viết của học sinh có thể cung cấp thông tin quan trọng cho việc điều chỉnh các chiến lược giảng dạy và mang lại một cái nhìn toàn diện hơn về sự tiến bộ học tập của các em.

Brisk đặc biệt chú trọng đến quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, doanh nghiệp đã đạt được xếp hạng quyền riêng tư cao từ Common Sense Privacy và tuân thủ các luật liên quan đến (COPPA, FERPA, GDPR). Đặc biệt, Brisk còn nhận được các đánh giá tích cực từ các giáo viên, khi họ đã tiết kiệm được 10 giờ mỗi tuần và hơn 100 triệu tài liệu đã được tạo ra bằng ứng dụng.

Bối cảnh giáo dục Việt Nam đang chứng kiến những nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao chất lượng và đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong kỷ nguyên số. Trong hành trình đó, các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), đang nổi lên như một lực lượng đầy hứa hẹn, mang đến những giải pháp tiềm năng cho những thách thức cố hữu và mở ra những cơ hội phát triển mới. Brisk, với những tính năng ưu việt của mình, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ giáo viên và thúc đẩy sự đổi mới trong hệ thống giáo dục Việt Nam.

Các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam nên nghiêm túc xem xét việc áp dụng các trợ lý giáo viên hỗ trợ bởi AI như Brisk như một chiến lược quan trọng để hỗ trợ đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 

Việc tập trung vào các công cụ có khả năng tích hợp mượt mà với cơ sở hạ tầng và quy trình làm việc hiện có là rất quan trọng để đảm bảo sự chấp nhận rộng rãi và giảm thiểu sự gián đoạn. Bên cạnh đó, việc đánh giá kỹ lưỡng các công cụ AI về hiệu quả, tính dễ sử dụng, quyền riêng tư dữ liệu và sự phù hợp với chương trình giảng dạy và tiêu chuẩn giáo dục của Việt Nam là không thể thiếu. Đồng thời, cần đầu tư vào đào tạo và phát triển chuyên môn cho giáo viên để họ có thể khai thác hiệu quả sức mạnh của các công cụ này. 

Việc triển khai thử nghiệm ở một số trường học hoặc khu vực được chọn sẽ giúp đánh giá tác động thực tế và thu thập phản hồi trước khi nhân rộng trên toàn quốc. Trong bối cảnh Việt Nam đang chú trọng đến việc phát triển tư duy phản biện, các nhà lãnh đạo giáo dục nên ưu tiên các công cụ AI có khả năng hỗ trợ mục tiêu này bằng cách giúp giáo viên có thêm thời gian tập trung vào việc khuyến khích sự tham gia của học sinh và phát triển các kỹ năng tư duy.

4. Học tập ngoại tuyến: Giải pháp rút ngắn khoảng cách số giáo dục

Trong kỷ nguyên số, công nghệ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống, và giáo dục không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên, sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận công nghệ số, hay còn gọi là khoảng cách số, đã tạo ra những rào cản đáng kể trong việc đảm bảo cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả mọi người. 

Đại dịch COVID-19 đã phơi bày một cách rõ ràng những bất cập này. Theo dữ liệu UNESCO, một nửa tổng số người học trên toàn thế giới – khoảng 826 triệu học sinh – không có máy tính tại nhà, và 43% (706 triệu) không có Internet tại nhà vào thời điểm mà học từ xa dựa trên nền tảng kỹ thuật số trở thành phương tiện chính để duy trì sự liên tục của giáo dục.

Ngay cả ở các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, khoảng cách số vẫn là một vấn đề đáng lo ngại. Một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy có tới 28% trẻ em trong độ tuổi đi học không sử dụng Internet ở nhà hoặc ở trường, và 22,8% chỉ sử dụng Internet ở nhà. Sự khác biệt về khả năng tiếp cận cũng thể hiện rõ rệt dựa trên tình trạng tham gia lực lượng lao động và thu nhập của hộ gia đình.

Việc thiếu khả năng truy cập Internet sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực đáng kể đối với kết quả học tập và cơ hội tương lai của học sinh như: hạn chế tiếp cận tài liệu, tụt hậu so với bạn bè… Nghiêm trọng hơn là vấn đề phân hóa kinh tế sẽ ngày càng mở rộng, dẫn đến nhiều vấn đề bất ổn còn tồn đọng trong xã hội sẽ ngày càng phát triển. 

Với ý tưởng cốt lõi là "All subject and new knowledge access" (tiếp cận mọi môn học và tri thức mới), ASANKA ra đời dưới sự phát triển của tổ chức TECHAiDE Global, có trụ sở tại Accra, Ghana. 

Nền tảng này đã được HundrED công nhận vào năm 2025 như một giải pháp hiệu quả, mang giáo dục chất lượng đến với những người chưa có cơ hội tiếp cận. Đặc biệt, ASANKA được xây dựng dựa trên chương trình giảng dạy quốc gia của Cơ quan Giáo dục Ghana (GES), đảm bảo sự phù hợp và tuân thủ các tiêu chuẩn giáo dục.

ASANKA là một hệ thống quản lý học tập LMS ngoại tuyến giúp giải quyết ba thách thức giáo dục lớn và phân phối nội dung bằng công nghệ Web 2.0. 

Thiết bị ASANKA tạo ra một mạng WiFi cục bộ (802.11n) với phạm vi phủ sóng lên đến 100 mét, và cho phép tối đa 30 người dùng kết nối đồng thời. Mạng wifi này không sử dụng Internet và chuyển thẳng dữ liệu người dùng đến những bài học họ đang cần thiết. 

Tiến trình học tập của học sinh được theo dõi và lưu trữ cục bộ ngay cả khi không có Internet. Khi có kết nối mạng, quản trị viên có thể cập nhật nội dung từ xa và theo dõi tiến độ học tập thông qua tài khoản đám mây ASANKA.

ASANKA Analytics cung cấp dữ liệu sử dụng chi tiết, hỗ trợ các quyết định giáo dục dựa trên bằng chứng xác thực. Với chi phí thấp, mức tiêu thụ điện năng chỉ 5 watt và khả năng cấp nguồn linh hoạt thông qua bất kỳ bộ sạc USB nào, ASANKA là một giải pháp hiệu quả và tiện lợi.

ASANKA đã cung cấp hơn 560 thiết bị, tác động đến 16.000 giáo viên và nhà cung cấp, đồng thời trao quyền cho hơn 400 tổ chức. TECHAiDE dự đoán sẽ tác động đến hàng triệu học sinh trong khoảng thời gian năm năm dựa trên số lượng thiết bị được triển khai. 

Asanka

Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam giai đoạn 2019–2021, việc có đến 1,5 triệu học sinh không được tiếp cận giáo dục trực tuyến đã phơi bày một khoảng cách số đáng kể. Báo cáo năm 2023 của UNESCO cũng chỉ ra rằng gần 50% học sinh ở vùng nông thôn Việt Nam thiếu các công nghệ giáo dục cơ bản như máy tính và Internet ổn định, một sự tương phản rõ rệt so với điều kiện tốt hơn ở các trường học đô thị. Đáng chú ý, chưa đến 1/4 số trường học ở Đồng bằng sông Cửu Long, một khu vực nông thôn rộng lớn, có máy tính hoặc Internet, trong khi tỷ lệ này ở khu vực thành thị là hơn 97%.

Từ những thách thức này, các nhà lãnh đạo giáo dục Việt Nam có thể rút ra nhiều bài học giá trị từ giải pháp ASANKA về cách tận dụng các giải pháp giáo dục ngoại tuyến để thu hẹp khoảng cách số, đặc biệt ở các vùng sâu vùng xa và những khu vực chưa được phục vụ đầy đủ. 

Sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, các tổ chức giáo dục và các nhà cung cấp công nghệ có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh và triển khai các nền tảng tương tự ở Việt Nam. 

Đầu tư vào việc phát triển hoặc bản địa hóa nội dung giáo dục ngoại tuyến phù hợp với chương trình giảng dạy của Việt Nam là vô cùng quan trọng, đặc biệt là cho các cộng đồng dân tộc thiểu số đa dạng.

Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo giáo viên cũng cần tích hợp việc sử dụng các công nghệ giáo dục ngoại tuyến. Cuối cùng, việc nghiên cứu tính khả thi trong sản xuất hoặc lắp ráp tại địa phương các thiết bị giáo dục ngoại tuyến với chi phí hợp lý và độ bền cao có thể tăng cường hơn nữa tính bền vững và khả năng tiếp cận của giải pháp này.

--------

Dung Tran

Đã copy link

Chia sẻ:

Tin tức liên quan

Bìa 1 (16).jpg
Thứ 3, 06/05/2025

"Xanh hóa": Lời giải đáp cho thách thức nông nghiệp Úc

Dù chiếm tới 55% diện tích sử dụng đất toàn quốc vào năm 2023, ngành nông nghiệp Úc vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng khi có hơn 500 loài cỏ dại kháng thuốc, 60% rác thải hữu cơ chưa được xử lý đúng cách, và không ít vùng nông thôn vẫn thiếu kết nối sóng điện thoại, gây khó khăn khi nông dân làm việc một mình nhưng gặp tính huống nguy hiểm. 04 startup dưới đây mang tới những giải pháp thiết thực cho những bài toán kể trên. Cùng BambuUP khám phá Innovation of the Week tuần này - 4 công nghệ tiên tiến không chỉ giải quyết các vấn đề cấp thiết mà còn góp phần kiến tạo tương lai nông nghiệp xanh và bền vững.
Thumbnail InnovationUP (5).jpg
Thứ 2, 28/04/2025

Green Building Materials: How Japan rebuilds and confronts natural disasters

Japan, a nation frequently facing earthquakes, tsunamis, and volcanic eruptions, has continually sought solutions to enhance safety and sustainability in construction. Driven by a strong spirit of innovation, the country has pioneered the use of unique building materials such as volcanic ash concrete, engineered wood, and recycled plastics, enabling structures to better resist seismic activity, withstand water damage, and adapt to harsh climatic conditions. Could green materials be the key to helping Japan build a safer and more resilient future?
Thumbnail InnovationUP (4).jpg
Thứ 7, 26/04/2025

Vật liệu xây dựng xanh: Cách Nhật Bản tái tạo công trình và đối mặt với thiên tai

Nhật Bản, quốc gia thường xuyên đối mặt với động đất, sóng thần và núi lửa, đã phải không ngừng tìm kiếm những giải pháp nâng cao độ an toàn và tính bền vững trong xây dựng. Với tinh thần đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, nước này đã tiên phong ứng dụng nhiều vật liệu xây dựng độc đáo như bê tông pha tro núi lửa, gỗ kỹ thuật và nhựa tái chế, giúp công trình chống rung, chống thấm và thích nghi tốt hơn với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Liệu vật liệu xanh có trở thành chìa khóa giúp Nhật Bản xây dựng một tương lai an toàn và kiên cường?