Sự kiện sụp đổ ngân hàng Silicon Valley có tác động tới hơn 50% các Quỹ đầu tư mạo hiểm tại Mỹ là một trong những chỉ báo gia tăng sự ngờ vực của người dân đối với các tổ chức và hệ thống doanh nghiệp. Những chia sẻ từ các chuyên gia tại Lễ công bố Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam sẽ gợi mở 3 điều bất biến giúp hoạch định những chiến lược phát triển trong thời kỳ BANI biến động.
Năm vừa qua đánh dấu một chuỗi biến động mạnh mẽ từ thế giới VUCA sang thế giới BANI. Sự suy giảm của các hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu điển hình nhất là Trung tâm của Đổi mới sáng tạo, San Francisco, đã trở nên tương đối đắt đỏ và thiếu an toàn. London, hệ sinh thái xếp thứ 3 toàn cầu, cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng hậu Brexit.
Thế giới từ nay tới 2030 được cho là ở thời kỳ BANI, được đặc trưng bởi Brittle (Mong manh, Dễ vỡ), Anxious (Bất an, Lo lắng), Non-Linear (Phi tuyến tính) và Incomprehensible (Khó hiểu). Nền kinh tế nói chung và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở nói riêng sẽ thừa hưởng mọi yếu tố của thế giới VUCA nhưng với những đặc tính nghiêm trọng và sâu rộng hơn. Dự đoán thị trường tiếp tục có những đợt thanh khoản mạnh, đòi hỏi Doanh nghiệp cần có hướng đi an toàn, chính xác.
=> Đọc thêm về 12 xu hướng chính trong thế giới BANI
Tại Phiên Hội ngộ chuyên gia trong khuôn khổ chương trình Lễ công bố Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam, Ông Trần Bằng Việt - CEO Đông Á Solutions - nhận định: “Mọi việc đang tốt hơn và sáng hơn. Kinh tế Việt Nam đã bước qua khó khăn nhưng chưa phải là giai đoạn trời sáng, mới chỉ hừng đông thôi.
Bão tan rồi nhưng xung quanh chúng ta vẫn còn ngổn ngang nước ngập, ngổn ngang những hậu quả cơn bão để lại. Đó là những hậu quả mà chúng ta buộc phải dọn dẹp, buộc phải thay đổi, buộc phải làm trước khi chúng ta có một tương lai tươi sáng hơn”.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, Ông Trần Bằng Việt đánh giá rất cao về hàm lượng của đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ ngày càng gia tăng trong thực tiễn thị trường Việt Nam. Ông chia sẻ: “Trong quá trình tôi tham gia rất nhiều cộng đồng doanh nhân, rất nhiều sự kiện, thông điệp và câu chuyện của những người lãnh đạo bây giờ là làm sao đổi mới, làm sao sáng tạo, làm sao áp dụng công nghệ trong sản xuất, phân phối.”
Có thể thấy, tín hiệu đầu tư rất tích cực vào hoạt động đổi mới sáng tạo từ khối doanh nghiệp, tập đoàn. Xu hướng các chủ doanh nghiệp chú trọng vào việc xây dựng các kết nối với cộng đồng khởi nghiệp và khối viện, trường, các tổ chức nghiên cứu. Hiện nay, số lượng các đề bài, thách thức từ Doanh nghiệp, Tập đoàn đã tăng gấp đôi trên Challenge Hub. Thông qua mối quan hệ hợp tác bền vững với các chủ thể khác nhau trong hệ sinh thái, họ có cơ hội tiếp cận các ý tưởng mới và công nghệ tiên tiến, từ đó tạo ra những sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu biến động của thị trường.
Tình hình kinh tế vĩ mô hiện nay là một thách thức, nhưng cũng đồng thời là cơ hội cho các doanh nghiệp. “Tôi muốn chia sẻ về hai hành động mà các doanh nghiệp có thể thực hiện trong bối cảnh này. Thứ nhất là trú ẩn chờ thời, thứ hai là “chim sâu dậy sớm” để kịp thời tranh thủ. Hai thái cực này do ngành nghề chúng ta, do nội lực doanh nghiệp chúng ta, do nhận định chúng ta quyết định” - ông Việt chia sẻ.
Cụ thể, nếu diễn biến ngành hàng tương tự như mô hình BANI - mong manh, nghi ngờ, và không thể dự đoán trước, với sự xuất hiện liên tục của các yếu tố mới ảnh hưởng đến môi trường, thì việc duy trì “trú ẩn chờ thời” là một lựa chọn an toàn.
Tuy nhiên, nếu trong ngành hàng đã có nhiều diễn biến, nhiều dự báo rõ ràng về xu hướng thị trường, hành vi của người tiêu dùng, công nghệ... thì việc nắm bắt cơ hội sớm để đổi mới chính là chìa khóa thành công. “Đó là lựa chọn sáng suốt để chúng ta có thể chiếm lĩnh thị trường, để chúng ta khai thác được thời cơ khi người khác đang còn ẩn tránh, đang còn hoang mang, đang còn nghi ngờ lo ngại” - ông Việt nhận định.
Hơn nữa, chưa bao giờ mức độ hợp tác đổi mới sáng tạo quốc tế mạnh mẽ như hiện nay. Bên cạnh những hậu quả từ kinh tế vĩ mô toàn cầu, chúng ta đang chứng kiến nhiều dấu hiệu tích cực từ những câu chuyện về hợp tác quốc tế, hợp tác xuyên biên giới.
Dữ liệu tổng hợp từ Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam 2023 cũng cho thấy sự tăng trưởng đáng kể của các startup Hàn Quốc trong nhiều lĩnh vực: 27,3% thuộc lĩnh vực khách hàng, tiếp theo là công nghệ tài chính (18,2%), làm đẹp (12,2%) và trí tuệ nhân tạo (12,1%). Sự gắn kết chặt chẽ Việt - Hàn được thể hiện qua hàng loạt dự án, có thể kể đến dự án tư vấn thương mại hóa công nghệ toàn cầu - GCC, dự án ODA về tư vấn và hỗ trợ giải pháp công nghệ.
Đây là cơ hội “mở đường” cho các doanh nghiệp đa quốc tịch gặp gỡ, chia sẻ thông tin, ý tưởng, kiến thức, kinh nghiệm, cũng như hợp tác và phát triển chung. “Đồng thời chúng ta được hưởng lợi khi hàng loạt cánh cửa được mở ra, hàng loạt cơ hội, hàng loạt đơn vị, hàng loạt quốc gia sẵn sàng kết nối và hỗ trợ chúng ta, chưa bao giờ hệ sinh thái khởi nghiệp kết nối với nhau đến như vậy” - ông Việt chia sẻ.
Trên đà tăng tốc đó, các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể tận dụng cơ hội đổi mới sáng tạo để chuyển mình bứt phá. Với sự gia tăng hàm lượng đầu tư công nghệ cũng như cơ hội “go global”, tiến trình đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang phát triển ngày càng nhanh.
Có rất nhiều cơ hội được tạo ra từ ĐMST mở mà doanh nghiệp Việt có thể tận dụng như giúp giảm chi phí, đẩy nhanh thời gian tung sản phẩm ra thị trường, gia tăng sự khác biệt và tạo ra dòng doanh thu mới cho công ty…
Đặc biệt, Việt Nam là đất nước chứng kiến sự đổi mới mạnh mẽ trong kinh tế, công nghiệp và công nghệ. Việt Nam có thể trở thành trung tâm công nghiệp tiên tiến và dẫn đầu trong việc áp dụng một số công nghệ mới. Nhu cầu về năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường có thể thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp xanh.
Đọc thêm những xu hướng mới nhất của thế giới BANI trong Báo cáo Đổi mới sáng tạo Mở 2023. Báo cáo được thực hiện bởi Nền tảng thông tin và kết nối đổi mới sáng tạo BambuUP dưới sự bảo trợ của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC) và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC).
Báo cáo tổng hợp số liệu khảo sát, phân tích, dự báo với sự cố vấn của hơn 45 chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực quản trị, phát triển chiến lược, khởi nghiệp, công nghệ, đầu tư, v.v. Báo cáo có giá trị tư vấn, định hướng cho doanh nghiệp, tổng hợp các tiềm năng và thách thức đối với các doanh nghiệp và tập đoàn thông qua các xu hướng đổi mới sáng tạo và công nghệ trên toàn cầu. Bên cạnh đó, báo cáo cũng đề xuất một số phương pháp và hướng dẫn để hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo.