Năm 2023 vừa qua đánh dấu sự suy giảm của các hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu, điển hình nhất là Trung tâm của Đổi mới sáng tạo San Francisco và sự kiện sụp đổ ngân hàng Silicon Valley. Trong bối cảnh đó, tái cấu trúc sẽ là một xu thế tất yếu mà các doanh nghiệp nên tìm hiểu. Vậy, tái cấu trúc sẽ có những lợi ích gì, và đổi mới sáng tạo giúp cho quy trình tái cấu trúc diễn ra như thế nào?
Doanh nghiệp, tập đoàn loay hoay giữa “cơn gió nghịch”
Sự sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) vào ngày 10 tháng 3 năm 2023 đã tạo nên một cú sốc lớn đối với các startup toàn cầu. London, hệ sinh thái xếp thứ 3, cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng hậu Brexit. Việt Nam cũng không nằm ngoài “vòng xoáy” đó khi nền kinh tế phát triển chậm lại đáng kể trong nửa đầu năm 2023.
Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 8 tháng đầu năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm với 34,478 doanh nghiệp (chiếm 48%); tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng) với 63,736 doanh nghiệp (chiếm 88,7%). Mặc dù số lượng doanh nghiệp mới thành lập ở Việt Nam vẫn đạt mức cao nhất trong giai đoạn 8 tháng đầu năm từ trước đến nay, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 969,618 tỷ đồng, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2022.
>>> Xem thêm: Đổi Mới Sáng Tạo Mở (Open Innovation): Mô Hình Đột Phá Giúp Tăng Tốc Đổi Mới Sáng Tạo
Những xung đột địa chính trị kéo dài và nỗi lo về lạm phát cùng với những thách thức khác đã thực sự gây ảnh hưởng, làm tăng thêm rủi ro và hạn chế tăng trưởng. Tuy mỗi doanh nghiệp, tập đoàn hứng chịu một “cơn gió nghịch” khác nhau, có một điểm mà nhiều “tướng lĩnh” đều đồng tình: thành công trong thế giới biến đổi này phụ thuộc vào khả năng tái cấu trúc để điều hướng và thích nghi với những thách thức của một thực tế phức tạp không thể đoán trước.
Các CEO đang nghĩ gì?
Tái cấu trúc là một chiến lược tăng trưởng giúp bộ máy doanh nghiệp linh hoạt hơn, vững vàng hơn trước sự suy yếu của nền kinh tế thế giới. Tái cấu trúc giúp thiết lập các quy trình chuẩn hóa trong doanh nghiệp về sản phẩm, dịch vụ, quá trình, giảm nguồn lực cho những nhiệm vụ lặp đi lặp lại nhiều lần. Nhờ vậy, doanh nghiệp, tập đoàn có thể giải quyết những vấn đề hiện hữu, đồng thời nhìn thấy khoảng trống và những vấn đề đang tiềm ẩn.
Mặt khác, theo kết quả khảo sát CEO Toàn cầu thường niên lần thứ 27 khu vực châu Á Thái Bình Dương thực hiện bởi PwC, các CEO có thể chưa hoàn thiện việc phân bổ nguồn lực bao gồm tài chính và con người, vốn là nền tảng cho quá trình tái cấu trúc. ⅔ các CEO tại khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết họ chỉ tái phân bổ nguồn lực ở mức 20% hoặc ít hơn hằng năm.
Các quan điểm được chia sẻ gần đây tại Hội nghị thượng đỉnh CEO APEC ở San Francisco cũng cho thấy một thực tế là các chủ doanh nghiệp, tập đoàn cảm thấy họ đang phải đối mặt với một tình huống khó khăn. Kết quả khảo sát với 1.774 CEO khu vực châu Á Thái Bình Dương cho thấy nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với nỗi bất an về khả năng tái cấu trúc nếu như “chệch hướng” theo đuổi các hoạt động đổi mới.
Niềm tin vào tương lai tiếp tục bị hạn chế bởi những thách thức và bất ổn kéo dài. Một số doanh nghiệp lo ngại rằng đổi mới sáng tạo sẽ làm mất đi tính ổn định trong cấu trúc tổ chức của họ. Trong nhiều trường hợp, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo đòi hỏi các thay đổi về mặt quy trình, sáp nhập hoặc phân chia các bộ phận để định hình văn hóa tổ chức. Hơn nữa, có những lo ngại về việc đổi mới có thể làm mất đi các quy trình cũ đã được thử nghiệm, gây ra sự rối loạn trong hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc.
>>> Xem thêm: Tín Chỉ Carbon Là Gì? Thị Trường Tín Chỉ Carbon Ở Việt Nam
Đổi mới sáng tạo giúp gì cho quy trình tái cấu trúc?
Tiến trình đổi mới sáng tạo đang phát triển ngày càng nhanh, nhưng lúc nào cũng song hành với sức mạnh nội tại trong doanh nghiệp
Theo EU Open Innovation Strategy and Policy Group, sự phát triển của ĐMST mở đã phát triển đến giai đoạn thứ 3: Hệ sinh thái ĐMST mở. Tiến trình đổi mới sáng tạo đang phát triển ngày càng nhanh, nhưng lúc nào cũng song hành với sức mạnh nội tại trong doanh nghiệp. Theo đó, các chủ thể trong Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở luôn chủ động tìm kiếm và sử dụng nhiều nguồn lực bên ngoài (cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư, viện nghiên cứu, trường đại học, khách hàng…) để thúc đẩy nhanh hơn quá trình tái cấu trúc nguồn lực, tài nguyên nội bộ bên trong.
Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, hoạt động đổi mới sáng tạo và hoạt động tái cấu trúc quy trình trong doanh nghiệp không hề đối nghịch, triệt tiêu lẫn nhau. Trái lại, chính sự thúc đẩy của quá trình tái cấu trúc nội bộ doanh nghiệp làm cho nhu cầu đổi mới ngày càng lớn. Ở chiều ngược lại, các hoạt động đổi mới sáng tạo mở bao gồm ứng dụng công nghệ, ứng dụng các ý tưởng và nguồn lực trong hệ sinh thái trở thành yếu tố thúc đẩy quy trình kinh doanh. Sự thay đổi tích cực đang diễn ra, với nhiều công ty nhận thức và bắt đầu triển khai thực hiện các bước đầu tiên để đổi mới sáng tạo.
Tại Việt Nam, giai đoạn 2018 - 2019 đã chứng kiến chiến lược đổi mới sáng tạo mạnh mẽ từ PNJ. Tại tọa đàm ra mắt Học viện SME ASEAN 2.0, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chia sẻ thêm về chiến lược này. Theo bà Dung, tuy động thái này dẫn đến sự cố đứt gãy trong quá trình chuyển đổi số, đó lại là bước tạo đà, thúc đẩy lợi nhuận sau thuế của PNJ tăng 75% ngay giữa những năm chống dịch. Như bất cứ doanh nghiệp nào khác, PNJ cũng đứng giữa “ngã ba đường”. Quyết tâm đổi mới sáng tạo chính là điểm tạo nên sự khác biệt, khắc phục sức ép từ tình trạng dồn ứ đơn đặt hàng, giá cổ phiếu tụt, doanh số giảm, nhân sự xin nghỉ việc tăng đột biến…
Đồng quan điểm với chiến lược đó, bà Dương Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Canifa chia sẻ tại Phiên Hội ngộ chuyên gia trong khuôn khổ chương trình Lễ công bố Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam: “Nói về Canifa, tháng 10 năm 2023, chúng tôi đã hoàn thành và triển khai đầy đủ chiến lược định vị lại thành một thương hiệu O2O (online-to-offline), thực hiện và hoàn thiện hầu hết các khía cạnh như hệ thống Logistic, bán hàng đa nền tảng và quản trị kho bằng công nghệ”
Theo bà Tâm, trước đây Canifa chỉ phân phối sản phẩm qua hệ thống các cửa hàng, nhưng trong thời gian dịch COVID-19, để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng, công ty đã tăng tỷ trọng bán hàng trực tuyến. Việc thay đổi thích ứng nhanh đã giúp tập đoàn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong giai đoạn qua.
>>> Xem thêm: Product-as-a-Service: Cách doanh nghiệp chuyển đổi để đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới
Triển vọng đổi mới để doanh nghiệp “đạp gió rẽ sóng”
Về bản chất, đổi mới sáng tạo đồng nghĩa với việc doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh một cách sâu sắc. Đặc biệt, sau đại dịch, thị trường đã trải qua nhiều biến động đáng kể với sự xuất hiện các kênh phân phối mới. Đây là thời điểm nhạy cảm, khi mọi doanh nghiệp đều đặt ra câu hỏi về tái cấu trúc để cập nhật và điều chỉnh chiến lược kinh doanh kịp thời.
Trước sự cấp thiết đó, rất khó để các chủ doanh nghiệp, tập đoàn dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong bối cảnh thế giới BANI nhiều biến động khó lường như hiện nay. Những thay đổi này đưa đến cho doanh nghiệp nhiều “phép thử”, nhưng cũng bao hàm cơ hội để các doanh nghiệp vươn lên dẫn dắt thị trường. Chính vì vậy, chiến lược tối ưu vẫn nên là thúc đẩy các nỗ lực tái cấu trúc kinh doanh mà đổi mới sáng tạo là điều tất yếu. Việc quản trị đổi mới sáng tạo tốt sẽ là yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh, mang lại lợi nhuận, tạo ra lợi thế cạnh tranh, tạo giá trị bền vững cho doanh nghiệp.
>>> Xem thêm: Bức tranh toàn cảnh về Đổi mới sáng tạo ở Thụy Điển
--------------
Đọc thêm về “cú bắt tay” xóa nhòa ranh giới cạnh tranh giữa Tesla và startup này để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở.