📖 MỤC LỤC BÀI VIẾT 📖
- 90% Gen Z tại Úc ưu tiên chi tiêu cho trải nghiệm thực tế hơn là sở hữu sản phẩm
- PaaS đã thay đổi cuộc chơi của các ngành công nghiệp trên thế giới ra sao?
- Làm thế nào để doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình Product-as-a-Service?
- Doanh nghiệp Việt Nam có thể ứng dụng mô hình Product-as-a-Service ra sao?
Bạn đã bao giờ cân nhắc việc thuê hệ thống năng lượng mặt trời, thiết bị hỗ trợ mặt đất tại sân bay, nệm thông minh hay thậm chí là các chậu cây cảnh trang trí trong văn phòng thay vì mua đứt? Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưu tiên trải nghiệm và sự bền vững hơn sở hữu tài sản, mô hình Product-as-a-Service (PaaS) đã nổi lên như một giải pháp kinh doanh đột phá. Mô hình này đã thay đổi các ngành công nghiệp trên thế giới ra sao, và làm thế nào để doanh nghiệp Việt nắm bắt xu hướng này?
>>> Xem thêm: Bức tranh toàn cảnh về Đổi mới sáng tạo xanh ở Thụy Điển
90% Gen Z tại Úc ưu tiên chi tiêu cho trải nghiệm thực tế hơn là sở hữu sản phẩm
Trong kỷ nguyên tiêu dùng hiện đại, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến những giá trị vô hình thay vì tích lũy các tài sản hữu hình. Theo một ‘Nghiên cứu về thế hệ’ gần đây của Live Nation Agency, Secret Sounds Connect và Pollinate, 90% Gen Z tại Úc ưu tiên chi chi tiêu cho trải nghiệm thực tế hơn là sở hữu vật chất cụ thể [1].
Tương tự, Boston Brand Research & Media, một công ty xuất bản toàn cầu, cũng chỉ ra rằng với thế hệ trẻ như Gen Z, giá trị mà những trải nghiệm mang lại thường vượt xa việc sở hữu món đồ đắt tiền. Xu hướng này bắt nguồn từ ý thức sống bền vững, lối sống tối giản nhằm hạn chế tiêu dùng quá mức để bảo vệ môi trường, cùng với ảnh hưởng từ các biến động kinh tế, khiến họ lựa chọn chi tiêu linh hoạt thay vì đầu tư vào những tài sản lớn [2].
>>> Xem thêm: Cách nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) đang tái định hình tương lai ngành hàng không
Mô hình kinh tế tuần hoàn Product-as-a-service (Nguồn: Sưu tầm)
Xu hướng này ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp như điện tử, hàng tiêu dùng, đồ gia dụng và nội thất, y tế, phương tiện di chuyển, và năng lượng [3] nhờ khả năng tối ưu hóa chi phí cho người dùng và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên. Đồng thời, người dùng còn được hưởng lợi từ các dịch vụ bảo trì, nâng cấp sản phẩm theo thời gian và các giải pháp tùy chỉnh linh hoạt, giúp tối đa hóa trải nghiệm sử dụng.
Vì vậy, chiến lược này vừa mang lại lợi ích về kinh tế và sự tiện lợi cho người tiêu dùng, vừa thúc đẩy lối sống bền vững khi các sản phẩm được tái sử dụng nhiều lần, hạn chế lượng rác thải và khai thác tài nguyên mới. Với các doanh nghiệp, mô hình này không chỉ tạo ra nguồn thu nhập ổn định từ các dịch vụ liên quan mà còn tăng cường mối quan hệ khách hàng, nâng cao giá trị thương hiệu và khả năng thích ứng trước những thay đổi của thị trường.
PaaS đã thay đổi cuộc chơi của các ngành công nghiệp trên thế giới ra sao?
Ngành công nghiệp giấc ngủ (The Sleep Industry)
Mô hình Product-as-a-Service (PaaS) đang làm thay đổi ngành công nghiệp giấc ngủ bằng cách chuyển từ việc bán sản phẩm sang cung cấp những giải pháp giấc ngủ toàn diện. Thay vì chỉ tập trung vào việc bán các sản phẩm như nệm hay thiết bị theo dõi giấc ngủ, nhiều công ty khởi nghiệp (startups) đang nổi lên nhờ tận dụng PaaS để tạo ra những sản phẩm sáng tạo kết hợp giữa phần cứng, phần mềm và các dịch vụ tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Cách tiếp cận này cho phép người tiêu dùng tiếp cận công nghệ tiên tiến như nệm thông minh có khả năng điều chỉnh nhiệt độ động và huấn luyện giấc ngủ, hoặc thiết bị đeo tay cung cấp phân tích giấc ngủ chi tiết thông qua hình thức đăng ký (subscription) mà không cần mua đứt sản phẩm [4].
Chẳng hạn, Eight Sleep với sản phẩm nệm Pod đã làm mới trải nghiệm giấc ngủ hoàn toàn bằng cách tích hợp loạt tính năng hiện đại như điều chỉnh độ cao nệm tự động, cảm biến phát hiện và giảm tình trạng ngáy, kiểm soát nhiệt độ riêng biệt cho hai khu vực nệm, cùng công nghệ theo dõi giấc ngủ tiên tiến.
Ngoài ra, sản phẩm còn đi kèm dịch vụ huấn luyện giấc ngủ cá nhân hóa, giúp người dùng cải thiện chất lượng giấc ngủ một cách hiệu quả [20]. Khách hàng có thể đăng ký dùng sản phẩm và chi trả mỗi năm một lần. Sự đổi mới này không chỉ mang đến sự thoải mái vượt trội mà còn cung cấp những dữ liệu hữu ích giúp người dùng cải thiện chất lượng giấc ngủ theo thời gian [4].
>>> Xem thêm: Những mô hình mới giải quyết vấn đề rác thải hữu cơ từ thực phẩm
Eight Sleep mang đến bộ dịch vụ và sản phẩm cải thiện giấc ngủ toàn diện thông qua hình thức gói thuê theo năm (Nguồn: Eight Sleep)
Tương tự, Remrise mang đến một phương pháp toàn diện và cá nhân hóa trong việc nâng cao chất lượng giấc ngủ. Kết hợp từ các phương pháp Đông và Tây, công ty cung cấp các công thức hỗ trợ giấc ngủ từ thảo dược, được thay đổi định kỳ và điều chỉnh theo nhu cầu riêng của từng người, giúp mang lại hiệu quả lâu dài mà không khiến người dùng phụ thuộc vào một loại thảo dược cố định.
Hơn nữa, ứng dụng di động của Remrise tích hợp theo dõi giấc ngủ, thiền và các bài học về hành vi, tạo thành một bộ công cụ linh hoạt, phù hợp với lối sống và mục tiêu cá nhân của người dùng. Cách tiếp cận sáng tạo này mang đến cho khách hàng một sự thay thế tự nhiên cho các loại thuốc ngủ truyền thống, đồng thời giúp người dùng thiết lập thói quen ngủ lành mạnh và xây dựng một mối quan hệ tích cực lâu dài với giấc ngủ [5].
Ngành năng lượng
Trong ngành năng lượng, mô hình Energy as a Service (EaaS) đã mở ra một cách tiếp cận hoàn toàn mới với cả khách hàng cá nhân (B2C) lẫn doanh nghiệp (B2B). Không còn phải chi một khoản đầu tư lớn để sở hữu cơ sở hạ tầng năng lượng, khách hàng hiện nay có thể lựa chọn các hình thức thanh toán linh hoạt như trả phí dựa trên hiệu suất (pay-for-performance contracts), hiệu quả tiết kiệm năng lượng đạt được (energy savings performance contracts), thỏa thuận mua bán điện (power purchase agreements), và tài trợ trực tiếp qua hóa đơn (on-bill financing) [6].
Điều này đặc biệt hấp dẫn với các doanh nghiệp, khi họ có thể tập trung vào hoạt động cốt lõi mà vẫn đảm bảo được nguồn năng lượng ổn định và hiệu quả. Với khách hàng cá nhân, các giải pháp năng lượng tùy chỉnh và linh hoạt đã thay đổi cách họ sử dụng năng lượng trong sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt khi họ muốn tiếp cận các giải pháp năng lượng bền vững.
Mô hình này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi các công nghệ sản xuất năng lượng phân tán (Distributed Energy Generation - DEG), chẳng hạn như hệ thống điện mặt trời, pin lưu trữ năng lượng, pin nhiên liệu, và lưới điện siêu nhỏ, cho phép khai thác nguồn năng lượng tái tạo lưu trữ năng lượng tại chỗ hiệu quả hơn nhiều các phương pháp truyền thống.
Không dừng lại ở việc cung cấp năng lượng, EaaS còn đi xa hơn với các dịch vụ như tối ưu hóa tiêu thụ, phân tích dữ liệu năng lượng, lắp đặt, vận hành, và bảo trì hệ thống định kỳ. Điều này đã giúp các doanh nghiệp lớn như Schneider Electric và Siemens đạt được thành công, khi họ không chỉ cung cấp giải pháp mà còn đồng hành cùng khách hàng trong việc giảm thiểu chi phí và lượng khí thải, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững [6].
>>> Xem thêm: Cách mạng hóa ngành xây dựng với hệ thống tự hành
Các công nghệ sản xuất năng lượng phân tán thúc đẩy mô hình EaaS phát triển (Nguồn: Sưu tầm)
EaaS cũng thúc đẩy sự thay đổi trong cách các doanh nghiệp năng lượng tương tác với khách hàng, từ mối quan hệ bán hàng truyền thống sang một quan hệ đối tác dài hạn.
Ví dụ, với các mô hình như Hợp đồng hiệu suất năng lượng (Energy Savings Performance Contracts - ESPC), nhà cung cấp tài trợ và triển khai giải pháp năng lượng, trong khi doanh nghiệp chỉ thanh toán dựa trên mức tiết kiệm năng lượng thực tế đạt được trong suốt thời gian hợp đồng. Nhờ vậy, doanh nghiệp vừa giảm thiểu được chi phí đầu tư ban đầu, vừa chia sẻ rủi ro với nhà cung cấp. Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời khuyến khích các tập đoàn lớn chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Ngành công nghiệp EaaS dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong những năm tới, khi các giải pháp năng lượng thông minh được các "ông lớn" như Enel X và Engie không ngừng đổi mới. Từ nhà máy điện ảo (Virtual Power Plants) [7] đến các hệ thống lưu trữ năng lượng hiện đại, có khả năng tích trữ lên đến 1.3GW [8], các công ty này đang mở rộng phạm vi tiếp cận, mang lại cơ hội tối đa cho khách hàng toàn cầu để tận dụng các lợi ích từ mô hình EaaS.
>>> Xem thêm: Kỷ nguyên chuyển đổi xanh: Làm giàu nhờ mặt trời
Các giải pháp năng lượng thông minh như nhà máy điện ảo hứa hẹn sẽ tiếp tục đưa thị trường EaaS lên một tầm cao mới (Nguồn: Sưu tầm)
Ngành hàng không
Tương tự với hai ngành trên, ngành hàng không cũng đang chứng kiến một sự chuyển mình mạnh mẽ. Trước đây, các hãng hàng không phải tự quản lý việc bảo trì, nâng cấp và xử lý các khó khăn về vận hành và kỹ thuật. Ngày nay, với mô hình PaaS đang dần lên ngôi, các dịch vụ toàn diện như quản lý vòng đời sản phẩm, bảo trì dự đoán (Predictive Maintenance – PdM), tối ưu hóa tuyến bay và giám sát hiệu suất đội bay đã trở thành những giải pháp chiến lược phổ biến của ngành [9].
Một trong những ví dụ sớm nhất cho sự thay đổi này là dịch vụ TotalCare của Rolls-Royce, được triển khai từ năm 1962 với mô hình "Power-by-the-Hour". Thông qua dịch vụ này, Rolls-Royce chịu trách nhiệm bảo trì, sửa chữa và quản lý rủi ro liên quan đến động cơ, chỉ tính phí dựa trên số giờ bay thực tế. Điều này mang lại sự minh bạch và ổn định về chi phí cho khách hàng, đồng thời tạo động lực để Rolls-Royce duy trì động cơ trong tình trạng tốt nhất, đảm bảo hiệu quả hoạt động và giảm thiểu gián đoạn vận hành [10].
>>> Xem thêm: Bạn sẽ muốn biết: Cách mà ngành hàng không thích ứng với làn sóng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, Việt Nam học được gì?
Rolls-Royce triển khai dịch vụ PaaS cho ngành hàng không đã hơn 60 năm (Nguồn: Rolls-Royce)
Không dừng lại ở động cơ hay thân máy bay, PaaS đã lan tỏa sang lĩnh vực Thiết bị hỗ trợ mặt đất (Ground Support Equipment - GSE). Trong đó, phân khúc cho thuê (rental/ lease segment) thậm chí còn chiếm lĩnh thị trường nhờ khả năng cho phép các đơn vị vận hành sớm tiếp cận các thiết bị hiện đại mà không cần khoản đầu tư ban đầu lớn, đồng thời mang lại nhiều lợi ích vượt trội.
Điển hình, việc nâng cấp thiết bị và mở rộng quy mô hoạt động theo nhu cầu có thể được thực hiện nhanh chóng, linh hoạt, với các dịch vụ bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật đi kèm [11]. Nhờ đó, khách hàng không chỉ tối ưu hóa hiệu quả vận hành mà còn dễ dàng tiếp cận công nghệ tiên tiến, đồng thời giảm thiểu tối đa nguy cơ gián đoạn trong quá trình hoạt động. Mô hình này đặc biệt hữu ích đối với các sân bay nhỏ, có ngân sách hạn chế hoặc nhu cầu thiết bị biến động [11].
>>> Xem thêm: Đổi mới sáng tạo mở (Open innovation): Mô hình đột phá giúp tăng tốc Đổi mới sáng tạo
Phân khúc cho thuê theo mô hình PaaS đang chiếm lĩnh thị trường Thiết bị hỗ trợ mặt đất (Nguồn: Sưu tầm)
Mô hình PaaS cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tính bền vững trong ngành hàng không. Bằng cách tập trung vào hiệu quả vận hành và kéo dài vòng đời của các tài sản, mô hình này giúp giảm thiểu lãng phí và phát thải. Các nhà sản xuất như Airbus và Boeing đang tích hợp các giải pháp dựa trên dữ liệu vào thiết kế máy bay, nhằm hỗ trợ quản lý đội bay cho các hãng hàng không thêm hiệu quả và thúc đẩy hoạt động xanh hơn [9].
Đặc biệt, như đã đề cập, khi các thiết bị GSE không còn là tài sản cố định mà được thuê linh hoạt, nhiều hãng hàng không đã nhanh chóng cập nhật các giải pháp thân thiện với môi trường. Các tập đoàn như JBT AeroTech cung cấp các giải pháp hỗ trợ mặt đất thân thiện với môi trường, như các thiết bị điện hóa và hệ thống cung cấp không khí điều hòa và nguồn điện tại cổng, giúp tiết kiệm hơn 3,5 triệu tấn khí thải nhà kính mỗi năm tại Bắc Mỹ trong những năm gần đây [12].
>>> Xem thêm: Tín chỉ carbon là gì? Thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam
các thiết bị điện hóa của JBT AeroTech đã giúp tiết kiệm hàng triệu tấn khí thải nhà kính (Nguồn: Sưu tầm)
Làm thế nào để doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình Product-as-a-Service?
1. Đánh giá thị trường và nhu cầu khách hàng
Doanh nghiệp cần tiến hành phân tích thị trường một cách toàn diện để hiểu rõ nhu cầu của khách hàng và xác định sản phẩm/ dịch vụ của mình nào có tiềm năng cao nhất khi triển khai theo mô hình PaaS.
- Xác định khách hàng mục tiêu: Ai sẽ là đối tượng chính sử dụng dịch vụ này, họ cần gì, và sẵn sàng trả phí như thế nào? Có phải giá bán cao đang khiến khách hàng do dự khi ra quyết định mua hàng? Sản phẩm có phù hợp với các nhu cầu sử dụng ngắn hạn, theo mùa, hoặc cho các hoạt động đặc thù hay không? Sản phẩm có thường xuất hiện trên các sàn giao dịch hàng đã qua sử dụng hoặc có giá trị bán lại cao không?
- Đánh giá khả năng cạnh tranh: Các đối thủ hiện tại đang cung cấp sản phẩm tương tự hay chưa? Nếu có, họ đang vận hành theo mô hình nào?
- Phân tích vòng đời sản phẩm: Xác định các giai đoạn sử dụng sản phẩm để thiết kế các chu kỳ dịch vụ phù hợp. Sản phẩm có thường xuyên được nâng cấp hoặc thay thế không? Có chịu ảnh hưởng từ sự thay đổi trong thị hiếu người tiêu dùng hoặc sự phát triển của công nghệ không? Doanh nghiệp có đang cung cấp các dịch vụ hỗ trợ hoặc bảo trì sau bán hàng để gia tăng giá trị sử dụng cho sản phẩm không?
Những câu hỏi trên giúp doanh nghiệp nhận diện rõ ràng tiềm năng thị trường và tính phù hợp của sản phẩm với mô hình kinh doanh dựa trên dịch vụ. Việc phân tích các yếu tố như giá trị sản phẩm trên thị trường, nhu cầu nâng cấp, khả năng tái sử dụng, hay sự biến động trong sở thích người tiêu dùng không chỉ giúp tối ưu hóa chiến lược kinh doanh mà còn xác định sản phẩm của doanh nghiệp hiện tại có tiềm năng áp dụng mô hình PaaS để tạo ra dòng doanh thu mới, cải thiện trải nghiệm khách hàng và giảm thiểu lãng phí tài nguyên hay không.
>>> Xem thêm: Thị trường carbon Châu Á và bài học chiến lược cho Việt Nam
Đánh giá thị trường và nhu cầu khách hàng là bước đầu tiên để chuyển đổi sang mô hình Product-as-a-Service (Nguồn: Sưu tầm)
2. Xây dựng hạ tầng công nghệ
Mô hình PaaS yêu cầu một hạ tầng công nghệ mạnh mẽ để giám sát và quản lý hiệu quả vòng đời của sản phẩm.
- Đầu tư IoT (Internet of Things): Triển khai các cảm biến thông minh để theo dõi trạng thái sản phẩm theo thời gian thực. Ví dụ, Bosch sử dụng cảm biến để giám sát hiệu quả sử dụng và phát hiện lỗi, giúp giảm 15% chi phí bảo trì
- Ứng dụng AI (Trí tuệ nhân tạo): Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu sử dụng, dự đoán xu hướng tiêu dùng và cung cấp các giải pháp cá nhân hóa
- Nền tảng quản lý dữ liệu: Xây dựng hệ thống quản lý vòng đời sản phẩm (PLM) để đảm bảo rằng các sản phẩm được bảo trì, sửa chữa và tái sử dụng hiệu quả.
Việc đầu tư vào các công nghệ tiên tiến này hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao hiệu quả vận hành, giám sát sản phẩm chính xác hơn, nhờ đó tối ưu hóa quá trình bảo trì, tăng cường sự minh bạch trong chuỗi cung ứng, và cải thiện trải nghiệm của người tiêu dùng.
3. Phát triển mô hình tài chính linh hoạtThiết kế các gói dịch vụ đa dạng, linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của từng phân khúc khách hàng:
- Linh hoạt trong giá cả: Tạo các gói dịch vụ khác nhau, ví dụ theo thời gian (giờ, ngày, tháng), theo kết quả (outcom-based - theo số sản phẩm sử dụng hoặc thành quả đạt được), hoặc theo quy mô/ số lượng (cho các khách hàng có nhu cầu cao hoặc doanh nghiệp).
- Cơ chế thanh toán đơn giản và tiện lợi: Nên triển khai các cơ chế thanh toán linh hoạt như thanh toán theo đợt, thanh toán tự động hoặc thanh toán theo dịch vụ sử dụng thực tế, cũng như áp dụng các nền tảng thanh toán kỹ thuật số để tạo sự tiện lợi cho khách hàng (thẻ tín dụng, ví điện tử, ứng dụng di động).
>>> Xem thêm: Những mô hình mới giải quyết vấn đề rác thải hữu cơ từ thực phẩm
Doanh nghiệp cần phát triển các cơ chế giá cả linh hoạt khi suy xét áp dụng mô hình PaaS (Nguồn: Sưu tầm)
4. Truyền thông hiệu quả
Để khách hàng hiểu rõ và tin tưởng vào mô hình PaaS - nhất là khi mô hình này chưa quá phổ biến ở Việt Nam, các doanh nghiệp cần triển khai các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ. Những chiến dịch này không chỉ tập trung vào việc quảng bá tính năng của sản phẩm mà còn giải thích rõ ràng về cách thức hoạt động của mô hình PaaS, lợi ích lâu dài mà nó mang lại như tiết kiệm chi phí, tiện lợi và sự linh hoạt trong việc sử dụng sản phẩm.
5. Thử nghiệm và cải tiến liên tục
Để đảm bảo mô hình PaaS hoạt động hiệu quả và đáp ứng nhu cầu thực tế của khách hàng, doanh nghiệp cần triển khai các thử nghiệm (pilot) cụ thể và thu thập phản hồi để liên tục cải tiến. Trong giai đoạn thử nghiệm, doanh nghiệp có thể bắt đầu với một nhóm khách hàng mục tiêu hạn chế hoặc một phân khúc thị trường nhỏ.
Ví dụ, nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thuê thiết bị gia dụng theo mô hình PaaS, họ có thể thử nghiệm với một loại thiết bị phổ biến như máy giặt, cung cấp dịch vụ cho một nhóm khách hàng trong một khu vực nhất định.
Các thử nghiệm có thể được thực hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau, chẳng hạn như:
- Phản hồi về sản phẩm: Đánh giá về hiệu suất và chất lượng của sản phẩm trong suốt thời gian sử dụng. Ví dụ, nếu một khách hàng thấy rằng máy giặt có vấn đề với hiệu suất giặt sạch trong suốt 2 tuần đầu sử dụng, phản hồi này sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng điều chỉnh chất lượng sản phẩm.
- Khảo sát về giá cả: Một yếu tố quan trọng là tìm ra mức giá phù hợp. Ví dụ, nếu một nhóm khách hàng phản hồi rằng họ sẵn sàng trả nhiều hơn nếu có thêm các dịch vụ bổ sung như bảo trì nhanh chóng hoặc 24/24, doanh nghiệp có thể thử nghiệm một gói dịch vụ cao cấp hơn.
- Tính linh hoạt trong dịch vụ: Doanh nghiệp có thể cung cấp các tùy chọn dịch vụ linh hoạt, cho phép khách hàng điều chỉnh thời gian sử dụng hoặc tính năng sản phẩm theo nhu cầu thực tế. Chẳng hạn,sau một thời gian trải nghiệm, khách hàng có thể muốn đổi từ mẫu máy giặt A sang mẫu B để phù hợp hơn với nhu cầu của gia đình, hoặc doanh nghiệp đang sử dụng máy in mẫu X nhưng cần nâng cấp lên mẫu Y với tính năng in nhanh hơn và tiết kiệm mực hơn, họ có thể đổi sản phẩm mà không phải chịu chi phí chuyển đổi quá cao.
>>> Xem thêm: Nông nghiệp xanh tại Singapore: Bước tiến bền vững cho ngành nông nghiệp
Giai đoạn thử nghiệm giúp doanh nghiệp xác định tính phù hợp của mô hình PaaS với chiến lược phát triển của công ty (Nguồn: Sưu tầm)
Các phản hồi này không chỉ giúp doanh nghiệp điều chỉnh dịch vụ ngay trong giai đoạn thử nghiệm mà còn giúp xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với khách hàng. Sau khi có đủ dữ liệu và phản hồi từ nhóm thử nghiệm, doanh nghiệp có thể mở rộng mô hình PaaS ra thị trường rộng lớn hơn với các cải tiến đã được tối ưu hóa.
Doanh nghiệp Việt Nam có thể ứng dụng mô hình Product-as-a-Service ra sao?
Sau khi xác định lộ trình chuyển đổi sang mô hình Product-as-a-Service (PaaS), doanh nghiệp có thể triển khai thực tế theo những cách sáng tạo, phù hợp với đặc thù của từng ngành. Dưới đây là một số gợi ý khả thi trong việc áp dụng PaaS vào 4 ngành công nghiệp tiềm năng:
Trong ngành Thiết bị gia dụng và Thiết bị văn phòng, các doanh nghiệp sản xuất có thể triển khai mô hình cho thuê thiết bị dài hạn nhằm mang lại sự tiện lợi và tiết kiệm cho khách hàng. Chẳng hạn, các công ty kinh doanh máy giặt, tủ lạnh, điều hòa không khí hay máy hút bụi có thể cung cấp gói dịch vụ thuê thiết bị đi kèm bảo trì định kỳ, nâng cấp hoặc thay mới sau một thời gian sử dụng.
Ví dụ Xerox cung cấp Dịch vụ quản lý in ấn (Managed Print Services - MPS), giúp doanh nghiệp thuê và quản lý hệ thống in ấn. Thay vì bán máy in, Xerox đảm nhận việc lắp đặt, bảo trì và quản lý vật tư, đồng thời tính phí dựa trên khối lượng in thực tế [13]. Tại Việt Nam, công ty Vina Xanh vừa kinh doanh cây cảnh, vừa cung cấp dịch vụ cho thuê cây trưng bày tại văn phòng với chi phí chỉ bằng 20-30% giá trị mua cây, mang đến giải pháp tiết kiệm và tiện lợi cho doanh nghiệp [14].
>>> Xem thêm: Từ rác nông nghiệp thành cơ nghiệp mới: Đổi mới sáng tạo xanh từ những gì bỏ lại
Dịch vụ quản lý in ấn của Xerox tính phí dựa trên khối lượng in thực tế (Nguồn: Sưu tầm)
Với ngành Phương tiện di chuyển, bên cạnh hoạt động kinh doanh bán đứt như thường lệ, các doanh nghiệp có thể mở rộng dịch vụ cho thuê xe tự lái theo giờ hoặc theo ngày, tích hợp ứng dụng di động để tối ưu hóa trải nghiệm người dùng. Ví dụ, tại Việt Nam, Vinfast đã triển khai mô hình Product-as-a-Service thông qua Xanh SM Rentals - dịch vụ cho thuê xe điện tự lái dành cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp - với các gói thuê đa dạng, đi kèm dịch vụ giao và nhận xe tận nơi, tiết kiệm thời gian và tối đa hóa sự tiện lợi cho khách hàng [15].
Với ngành Nông nghiệp, các công ty sản xuất thiết bị như máy cày, máy phun thuốc trừ sâu,... có thể ứng dụng PaaS qua chương trình cho thuê ngắn hạn. Ví dụ, chẳng hạn, công ty Sundrone tại Việt Nam ngoài kinh doanh máy bay phun thuốc trừ sâu thì còn cho thuê chúng, tùy theo nhu cầu mà từ 1-3 ngày hoặc dài hơn. Chi phí sẽ phụ thuộc vào loại cây trồng, diện tích cần phun, loại thuốc cần phun và thời gian phun, nhưng hiển nhiên sẽ có lợi ích kinh tế cho những nông dân hoặc chủ vườn có kinh phí hạn chế [16].
Sundrone cho thuê máy bay phun thuốc trừ sâu theo mô hình PaaS (Nguồn: Sưu tầm)
Với ngành Thời trang, đây thật sự là lĩnh vực tiềm năng để áp dụng PaaS, đặc biệt khi xu hướng "thời trang bền vững" đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu. Nhiều nền tảng cho thuê quần áo đã ra đời, tiêu biểu là Hirestree. Thương hiệu này hợp tác với nhiều tên tuổi lớn trong ngành thời trang, trải dài từ thời trang nhanh, thời trang cao cấp đến thời trang dự tiệc, như Morgan, Goddiva, Guess Originals, Zara, Panambi,...[17] nhằm mang đến dịch vụ cho thuê quần áo đa dạng mẫu mã và phân khúc.
>>> Xem thêm: Công nghệ bảo vệ & chăm sóc phụ nữ – 4 giải pháp thấu hiểu và đồng hành cùng phái đẹp
Nền tảng cho thuê thời trang Hirestreet kết nối các thương hiệu với người dùng (Người dùng)
Khách hàng có thể lựa chọn giữa hai hình thức: gói thuê định kỳ với chi phí 45 USD mỗi tháng cho 5 món đồ, hoặc thuê lẻ theo nhu cầu trong thời hạn 21 ngày. Đặc biệt, nếu khách hàng cảm thấy hài lòng sau khi sử dụng, họ còn có thể mua lại sản phẩm với mức giá ưu đãi, mang lại sự linh hoạt để phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng nhất có thể [18].
Tổng kết
Mô hình Product-as-a-Service không chỉ là một bước chuyển đổi chiến lược trong cách doanh nghiệp vận hành mà còn là xu hướng tất yếu trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn và nhu cầu tiêu dùng thay đổi nhanh chóng. Bằng việc cung cấp sản phẩm như một dịch vụ, doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu lãng phí, đồng thời mang lại giá trị lâu dài cho khách hàng. Với tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam, PaaS hứa hẹn sẽ trở thành chìa khóa mở ra những bước tiến bền vững và đột phá cho nhiều ngành công nghiệp trong tương lai.
Phượng Lê
Nếu doanh nghiệp của bạn đang tìm kiếm các kết nối nguồn lực phù hợp để triển khai các giải pháp giảm phát thải và chuyển đổi xanh một cách hiệu quả, hãy kết nối ngay với BambuUP!
Chúng tôi đã đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp hàng đầu như EVN, Heineken Việt Nam, FASLINK, DKSH Smollan,... trong việc công bố các thách thức đổi mới sáng tạo mở. BambuUP tự hào là đối tác chiến lược đáng tin cậy, luôn hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động đổi mới sáng tạo và quá trình chuyển đổi xanh mạnh mẽ.
Để không bỏ lỡ những tin tức mới nhất hàng tuần về Đổi Mới Sáng Tạo xanh ở Việt Nam, bạn có thể: