Cách nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) đang tái định hình tương lai ngành hàng không

Điều gì sẽ xảy ra nếu tương lai của ngành hàng không được vận hành bởi sự bền vững mà không chỉ bởi nhiên liệu truyền thống? Chiếm 2-3% tổng lượng CO2 phát thải toàn cầu cùng tốc độ tăng trưởng phát thải vượt xa các ngành vận tải khác, áp lực chuyển đổi xanh của ngành hàng không đang lớn hơn bao giờ hết. Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) hứa hẹn cắt giảm tới 80% lượng khí thải CO2, với hơn 490.000 chuyến bay đã sử dụng SAF trong năm 2023. Tuy nhiên, liệu công nghệ này có thể phát triển đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng?

1. Cái giá đắt của phát thải ngành hàng không

Ngành hàng không từ lâu đã được xem là một trong những nguồn phát thải carbon lớn trên thế giới, gây ra những tác động nghiêm trọng đến môi trường và kinh tế. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vào năm 2022, ngành hàng không chiếm khoảng 2% lượng phát thảiCO2 toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng vượt xa đường sắt, đường bộ và vận tải biển [1]. Riêng năm 2019, hàng không thương mại đã phát thải hơn 900 triệu tấn CO2 [2].

>>> Xem thêm: Bức tranh toàn cảnh về Đổi mới sáng tạo ở Thụy Điển

Phát thải ngành hàng không tăng dần theo từng năm (Nguồn: Sưu tầm)

Ngoài CO2, động cơ máy bay còn thải ra nhiều loại khí khác như oxit nitơ (NOx), lưu huỳnh dioxit (SO2), hơi nước và các hạt bụi mịn - bao gồm cả sunfat và bồ hóng. Khi những khí thải này được thải ra ở độ cao lớn, chúng ảnh hưởng đến các tính chất vật lý và hóa học của bầu khí quyển, góp phần vào hiệu ứng nhà kính - yếu tố chính gây ra biến đổi khí hậu. Các loại khí này cũng có thể dẫn đến sự hình thành các đám mây ti sáng kéo dài (persistent contrail cirrus clouds), những đám mây này góp phần làm nóng lên toàn cầu bằng cách giữ nhiệt lượng của Trái đất. [3].

Ngoài CO2, ngành hàng không còn phát thải bụi than và khí sunfua (Nguồn: Sưu tầm)

Đến nay, ngành hàng không đã đóng góp khoảng 4% vào sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra, và dự kiến sẽ làm tăng thêm khoảng 0.1°C nhiệt độ toàn cầu vào năm 2050. Nếu được xem như một quốc gia, ngành hàng không sẽ nằm trong top 10 quốc gia phát thải lớn nhất, vượt qua các nước như Brazil, Mexico và Anh [5].

Tại Việt Nam, ngành hàng không đang tăng trưởng nhanh chóng, trở thành thị trường phát triển nhanh thứ 5 thế giới với số lượng hành khách hàng không dự kiến đạt 150 triệu vào năm 2035, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA). Cục Hàng không Việt Nam (CAAV) ước tính từ năm 2021 đến 2030, lưu lượng hành khách sẽ tăng từ 7.5-8.5% mỗi năm, trong khi vận chuyển hàng hóa dự kiến tăng từ 8.4-9.7% mỗi năm[6]. Mặc dù mang lại nhiều cơ hội kinh tế, sự tăng trưởng này cũng làm gia tăng những lo ngại về môi trường do phát thải carbon ngày càng cao. Với cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, dấu chân carbon của ngành hàng không đã trở thành trọng tâm lớn của cả chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam.

Trước những thách thức này, nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) đã nổi lên như một giải pháp công nghệ mang tính đột phá, có khả năng giảm mạnh lượng khí thải carbon từ ngành hàng không. SAF có thể giảm tới 80% lượng CO2 phát thải so với nhiên liệu máy bay thông thường, giúp ngành hàng không vừa đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững quốc tế, vừa duy trì nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không đang ngày một tăng cao.

>>> Xem thêm: Product-as-a-Service: Cách doanh nghiệp chuyển đổi để đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới

 

2. SAF là gì và làm thế nào nó có thể định hình lại tương lai ngành hàng không thế giới?

Nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) là một bước đột phá quan trọng của ngành hàng không, mang lại giải pháp khả thi nhằm giảm phát thải carbon và đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Nguyên liệu thân thiện với môi trường

Khác với nhiên liệu máy bay truyền thống được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch, SAF được làm từ các nguồn tái tạo như dầu thải, chất béo, rác thải xanh và đô thị, cùng các loại cây trồng phi thực phẩm. Những nguồn nguyên liệu này giúp SAF giảm tới 80% lượng khí thải carbon trong suốt vòng đời so với nhiên liệu thông thường. Đây là một sự cắt giảm đáng kể, giúp SAF trở thành yếu tố then chốt để ngành hàng không đạt được các mục tiêu đề ra trong các thỏa thuận khí hậu toàn cầu.

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), nếu được áp dụng trên quy mô lớn, SAF có thể đóng góp khoảng 65% lượng giảm phát thải cần thiết để ngành hàng không đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 [7].

>>> Xem thêm: Đổi Mới Sáng Tạo Mở (Open Innovation): Mô Hình Đột Phá Giúp Tăng Tốc Đổi Mới Sáng Tạo

Lợi ích của nhiên liệu hàng không bền vững (Nguồn: Internet, dịch bởi BambuUP)

Linh hoạt, dễ dàng sử dụng

Một trong những điểm nổi bật của SAF so với các công nghệ hàng không xanh khác chính là khả năng giảm thiểu tác động môi trường mà không đòi hỏi ngành hàng không phải thay đổi toàn bộ cơ sở hạ tầng hiện tại. 

Là một loại nhiên liệu "drop-in" [8], SAF có thể được sử dụng trực tiếp trong các máy bay hiện tại mà không cần phải thay đổi nhiều về động cơ hay hệ thống tiếp nhiên liệu [9]. Điều này cho phép các hãng hàng không sử dụng SAF ngay với đội bay và cơ sở hạ tầng hiện có, tránh được chi phí cao và thời gian dài cần thiết để chuyển đổi sang các công nghệ mới như máy bay chạy bằng điện hoặc hydro. Điều này biến SAF thành một giải pháp khả thi và nhanh chóng để giảm phát thải trong ngành hàng không.

Tuân theo các quy định và chính sách về bền vững

Ngoài những lợi ích về môi trường, SAF còn mang lại lợi ích lớn về tuân thủ quy định. Trước áp lực ngày càng tăng từ các chính phủ về việc tuân thủ các quy định môi trường nghiêm ngặt như mục tiêu giảm phát thải, tín dụng thuế, và yêu cầu sử dụng năng lượng tái tạo, SAF mang đến cho các hãng hàng không một lộ trình hiệu quả về chi phí để đáp ứng các yêu cầu này.

Tại Liên minh châu Âu, chẳng hạn, Ủy ban châu Âu đã ban hành luật "ReFuelEU Aviation," yêu cầu các nhà cung cấp nhiên liệu hàng không tăng dần tỷ lệ pha trộn SAF trong nhiên liệu máy bay tại các sân bay EU. Bắt đầu từ năm 2025, tất cả nhiên liệu máy bay tại các sân bay EU phải chứa ít nhất 2% SAF, với tỷ lệ này tăng lên 6% vào năm 2030, 20% vào năm 2035, và đạt 70% vào năm 2050. Các quy định này áp dụng cho tất cả các chuyến bay khởi hành từ EU, bất kể điểm đến, biến SAF trở thành yếu tố quan trọng trong kế hoạch giảm phát thải và đạt mục tiêu khí hậu quốc tế của châu Âu [10].

>>> Xem thêm: Tín Chỉ Carbon Là Gì? Thị Trường Tín Chỉ Carbon Ở Việt Nam

Luật ReFuelEU Aviation yêu cầu tất cả các chuyến bay từ EU chứa ít nhất 2% SAF trong nhiên liệu máy bay (Nguồn: Sưu tầm)

Tương tự, tại Hoa Kỳ, chương trình "Fueling Aviation’s Sustainable Transition (FAST)" được thành lập theo Đạo luật Giảm Lạm Phát năm 2022, cung cấp các khoản tài trợ lên tới 244,5 triệu USD để hỗ trợ sản xuất và sử dụng SAF, phù hợp với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 trong ngành hàng không vào năm 2050 [11]. Trong khi đó, luật "Nhiên liệu của Tương lai" (Fuel of the Future) của Brazil yêu cầu các hãng hàng không giảm phát thải 10% vào năm 2037, tập trung vào việc sử dụng nhiên liệu carbon thấp [12].

Brazil dẫn đầu cuộc chuyển đổi năng lượng với bộ luật 'Nhiên liệu của Tương lai' (Nguồn: Sưu tầm)

Nhìn từ góc độ bao quát hơn về ngành vận tải, SAF sẽ giúp toàn bộ lĩnh vực tiến tới một tương lai bền vững hơn bằng cách giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Việc chuyển đổi sang SAF, kết hợp với đội bay và cơ sở hạ tầng hiện có, mang đến một giải pháp tức thời và có khả năng mở rộng cho các hãng hàng không, đáp ứng nhu cầu của cả người tiêu dùng lẫn các yêu cầu về môi trường.

>>> Xem thêm: Những mô hình mới giải quyết vấn đề rác thải hữu cơ từ thực phẩm

 

3. Tiến độ triển khai SAF trên toàn cầu và tại Việt Nam

Trên Thế Giới

Ngành hàng không toàn cầu đang ngày càng coi nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) là giải pháp cốt lõi để đạt được các mục tiêu khí hậu quốc tế. Nhiều chính phủ và tập đoàn lớn đã tích cực tham gia thúc đẩy việc sử dụng SAF, dù các thách thức về quy mô sản xuất, sự đồng bộ trong quy định, và phát triển hạ tầng vẫn còn hiện hữu.

Các hãng hàng không hàng đầu, các nhà sản xuất nhiên liệu, và các nhà sản xuất máy bay đang thực hiện những bước tiến lớn để mở đường cho sự chuyển đổi của toàn ngành. KLM Group, bao gồm Air France-KLM, là một trong những hãng tiên phong trong việc sử dụng SAF, chiếm 17% và 16% tổng sản lượng SAF toàn cầu trong năm 2022 và 2023. Nhờ hợp tác chiến lược với TotalEnergies, tập đoàn này sẽ nhận được tới 1.5 triệu tấn SAF trong vòng 10 năm, hỗ trợ mục tiêu giảm 30% lượng CO2 phát thải trên mỗi km hành khách vào năm 2030 so với mức năm 2019  [13].

Air France-KLM là một trong những hãng tiên phong áp dụng nhiên liệu hàng không bền vững (Nguồn: Sưu tầm)

Virgin Atlantic đã tạo ra bước đột phá khi thực hiện chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên sử dụng 100% SAF vào tháng 11 năm 2023, thiết lập một tiền lệ quan trọng cho các chuyến bay đường dài trong tương lai. Tương tự, Emirates Airlines đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm trên Airbus A380 với một động cơ hoàn toàn sử dụng SAF, chứng minh tính khả thi của SAF ngay cả với các máy bay thương mại quy mô lớn [14].

Tại Hoa Kỳ, United Airlines đã hợp tác với Neste để đảm bảo tới 1 triệu gallon (3,000 tấn) nhiên liệu hàng không bền vững Neste MY Sustainable Aviation Fuel™ tại sân bay quốc tế Chicago O’Hare, trở thành hãng hàng không đầu tiên tích hợp SAF vào hoạt động tại một trong những sân bay đông đúc nhất nước Mỹ [15].

Một dấu mốc quan trọng khác là sự kiện của liên minh "Clean Skies for Tomorrow" tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2021, nơi 60 công ty, bao gồm các hãng hàng không, sân bay, và nhà cung cấp nhiên liệu, cam kết sử dụng 10% SAF vào năm 2030. Những hãng hàng không như British Airways, Delta Airlines, KLM, và Virgin Atlantic đang dẫn đầu nỗ lực này, trong khi Alaska Airlines, American Airlines, và Japan Airlines cũng đã ký hợp đồng mua tới 200 triệu gallon SAF mỗi năm từ Gevo, bắt đầu từ năm 2027 tại các sân bay lớn ở California [14].

Các hãng hàng không không đơn độc trong hành trình hướng tới sự bền vững. 

Các nhà sản xuất máy bay hàng đầu như Boeing và Airbus cũng đang chung tay và đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái SAF, thúc đẩy các tiến bộ công nghệ và hỗ trợ tích hợp nhiên liệu này vào cơ sở hạ tầng hiện có. Boeing đã tích cực hỗ trợ thử nghiệm và chứng nhận SAF từ Alder, bao gồm cả các chuyến bay trình diễn, nhằm đảm bảo nhiên liệu này sẵn sàng cho việc ứng dụng rộng rãi [16]. Trong khi đó, Airbus tập trung đầu tư vào phát triển SAF quy mô lớn, đồng thời tham gia sâu vào các quy trình chứng nhận và các dự án trình diễn. Cả hai công ty đang hợp tác chặt chẽ với các hãng hàng không, sân bay, nhà sản xuất SAF và các tổ chức nghiên cứu trên toàn cầu nhằm củng cố hệ sinh thái SAF, đồng thời giải quyết các thách thức lớn liên quan đến chính sách, quy định, cũng như cân bằng cung và cầu [17].

>>> Xem thêm: Thị trường carbon Châu Á và bài học chiến lược cho Việt Nam

Airbus tập trung vào đầu tư cho các dự án phát triển SAF (Nguồn: Airbus)

Tại Việt Nam

Tại Việt Nam, thị trường hàng không đang tăng trưởng nhanh chóng và bắt đầu tìm kiếm các cơ hội để ứng dụng SAF. Tháng 5 năm 2024, Vietnam Airlines đã trở thành hãng hàng không đầu tiên trong nước đưa SAF vào sử dụng trên các chuyến bay thương mại, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực giảm phát thải của ngành hàng không Việt Nam. Bên cạnh đó, hãng cũng hợp tác với Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) tham gia dự án đo lường phát thải carbon, cung cấp dữ liệu cần thiết để IATA tính toán lượng phát thải trên mỗi tuyến bay và loại máy bay (18).

Tiếp nối Vietnam Airlines, Vietjet cũng đã thành công trong việc thực hiện hai chuyến bay quốc tế đầu tiên sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững vào tháng 10 năm 2024. Hai chuyến bay này, khởi hành từ Việt Nam đến Melbourne (Úc) và Seoul (Incheon, Hàn Quốc), được cung cấp nhiên liệu SAF bởi Petrolimex Aviation. Đây là một cột mốc quan trọng không chỉ với Petrolimex Aviation mà còn đối với cả Petrolimex Group, đánh dấu bước đi vững chắc trong việc triển khai chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn dài hạn tới năm 2045 [24].

>>> Xem thêm: Nông nghiệp xanh tại Singapore: Bước tiến bền vững cho ngành nông nghiệp

Vietjet thành công thực hiện 2 chuyến bay quốc tế đầu tiên sử dụng SAF (Nguồn: Vietjet Air)

 

4. Thách thức và cơ hội đối với việc ứng dụng SAF trong ngành hàng không

Dù SAF có tiềm năng to lớn để cách mạng hóa ngành hàng không, việc triển khai trên quy mô lớn vẫn đối mặt với nhiều thách thức đáng kể.

Chi Phí Cao Và Nguồn Cung Hạn Chế

Một trong những rào cản lớn nhất đối với việc ứng dụng rộng rãi SAF là chi phí cao. Năm 2022, giá trung bình của SAF được ước tính khoảng 2.400 USD/tấn, cao gấp 2,5 lần so với nhiên liệu máy bay truyền thống. Chi phí cao này chủ yếu do sản xuất SAF vẫn ở giai đoạn sơ khai, với quy mô kinh tế hạn chế và chi phí sản xuất cao.

Dù sản lượng SAF đạt trên 600 triệu lít (0.5 Mt) vào năm 2023 – tăng gấp đôi so với năm 2022 – SAF vẫn chỉ chiếm 3% tổng sản lượng nhiên liệu tái tạo toàn cầu, trong đó 97% được phân bổ cho các ngành khác. Ngay cả khi sản lượng dự kiến tăng gấp ba lần lên 1.875 tỷ lít (1.5 Mt) vào năm 2024, SAF cũng chỉ đáp ứng được 0.53% nhu cầu nhiên liệu của ngành hàng không và chiếm 6% công suất nhiên liệu tái tạo  [19].

>>> Xem thêm: 5 công cụ tài chính giúp doanh nghiệp rút ngắn khoảng cách giữa kỳ vọng và hành động khi thực hành ESG

Cạnh Tranh Giữa Các Ngành Về Nguồn Cung Hạn Chế

Việc ứng dụng SAF càng trở nên phức tạp khi các ngành khác cũng cạnh tranh nguồn cung nhiên liệu tái tạo. Ví dụ, ngành vận tải biển tiêu thụ khoảng 330 triệu tấn nhiên liệu hóa thạch mỗi năm, tương đương với ngành hàng không, trong khi vận tải đường bộ chiếm gần một nửa tổng sản lượng nhiên liệu toàn cầu. Các yêu cầu pháp lý và ưu đãi khác nhau giữa các ngành càng làm tăng áp lực lên nguồn cung, khiến các nhà sản xuất nhiên liệu ưu tiên một số ngành nhất định [20].

Theo ông Willie Walsh, Tổng Giám đốc IATA, ngành hàng không cần khoảng 25-30% công suất sản xuất nhiên liệu tái tạo toàn cầu được dành riêng cho SAF để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Để thu hẹp khoảng cách này, các chính phủ cần ưu tiên chính sách khuyến khích sản xuất SAF, đầu tư cơ sở hạ tầng, và đa dạng hóa nguồn nguyên liệu sản xuất [19].

Sự Phân Bổ Không Đồng Đều Của Sản Xuất SAF Trên Toàn Cầu

Sản xuất SAF trên toàn cầu vẫn phân bố không đồng đều, với các nước phát triển hiện đang dẫn đầu trong sản xuất và phân phối. Theo Ngân hàng Thế giới, các quốc gia ngoài OECD dự kiến chỉ chiếm 2-8% sản lượng SAF toàn cầu vào năm 2025, mặc dù tiềm năng nguyên liệu sẵn có ở các khu vực này rất lớn.

Một số quốc gia đã bắt đầu thu hẹp khoảng cách này. Ví dụ, Chile đã công bố lộ trình "2050 SAF Roadmap" vào tháng 4/2024, với chiến lược phát triển ngành SAF tập trung vào sản xuất nguyên liệu địa phương và xây dựng hạ tầng cần thiết. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp quy mô lớn giữa các tổ chức toàn cầu như ICAO và các chính phủ để đảm bảo các thị trường mới nổi không bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi xanh  [21].

Các cơ chế như hệ thống "book-and-claim" có thể đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng tiếp cận SAF cho các hãng hàng không và sân bay ở những khu vực thiếu cơ sở hạ tầng SAF. Tuy nhiên, nếu không được quản lý hiệu quả, hệ thống này có thể dẫn đến mất cân đối thị trường, khi SAF giá rẻ từ các khu vực phát triển chiếm ưu thế, làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng về nguồn cung [21].

>>> Xem thêm: Lộ trình đổi mới sáng tạo nhìn từ Mỹ - Nhật và bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt

Nguồn Nguyên Liệu Hạn Chế

Việc sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) trên quy mô lớn đang đối mặt với những thách thức đáng kể do phụ thuộc vào các nguyên liệu tiên tiến như mỡ động vật, dầu ăn đã qua sử dụng (UCO), nước thải từ nhà máy dầu cọ (POME) và các loại chất thải từ mỡ động vật khác. Trong số này, việc chuyển đổi dầu thải thành SAF được xem là con đường sản xuất đã đạt độ trưởng thành kỹ thuật cao nhất; tuy nhiên, nguồn cung dầu thải hạn chế vẫn là một điểm nghẽn quan trọng. Phần lớn nguồn cung hiện tại đã được các ngành khác tiêu thụ, chẳng hạn như ngành giao thông đường bộ, vốn phụ thuộc nhiều vào những nguyên liệu này để sản xuất dầu diesel tái tạo.

Tương tự, dầu thực vật – một nguyên liệu quan trọng khác cho SAF – cũng đang có nhu cầu cao trong sản xuất dầu diesel tái tạo và thực phẩm, làm gia tăng sự khan hiếm và dấy lên lo ngại về tác động tiềm tàng đến an ninh lương thực cũng như sử dụng đất khi sản xuất SAF được mở rộng quy mô [22].

Nguồn cung nguyên liệu hạn chế, ví dụ như dầu thải, khiến sản lượng SAF ít ỏi (Nguồn: Sưu tầm)

Các quy định pháp lý cũng góp phần gia tăng thách thức. Tại Liên minh Châu Âu, các khung pháp lý như RED II (Chỉ thị Năng lượng Tái tạo) đã đẩy mạnh việc chuyển đổi sang các nguyên liệu tiên tiến bằng cách loại trừ những nguyên liệu thế hệ đầu tiên, như dầu cọ thô và các sản phẩm phụ của nó, khỏi danh sách được chấp nhận [23]. Mặc dù điều này thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững, nhưng nó đồng thời gây thêm áp lực lên nguồn cung nguyên liệu vốn đã hạn chế, khiến việc mở rộng quy mô sản xuất SAF để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn trở nên khó khăn hơn.

>>> Xem thêm: Đổi mới sáng tạo xanh: Ý tưởng hay, thực tế khó

 

Tổng kết

Tương lai của ngành hàng không không thể tách rời với việc áp dụng thành công nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Khi ngành này đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc giảm dấu chân carbon và đáp ứng các mục tiêu bền vững nghiêm ngặt, SAF nổi lên như một giải pháp đầy hứa hẹn. Mặc dù tiềm năng giảm tới 80% lượng khí thải của SAF là một bước đột phá lớn, việc triển khai quy mô lớn vẫn gặp nhiều rào cản quan trọng như chi phí sản xuất cao, nguồn nguyên liệu hạn chế, và sự phân bố không đồng đều trên toàn cầu. 

Ngành hàng không cần ưu tiên SAF như một phần trong chiến lược giảm phát thải. Các bên liên quan chính, bao gồm chính phủ, hãng hàng không, và các nhà sản xuất nhiên liệu, đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc thúc đẩy ứng dụng SAF, chứng minh tính khả thi và nhu cầu ngày càng tăng đối với các giải pháp bay bền vững hơn. 

Tuy vậy, để SAF trở thành nguồn nhiên liệu chủ đạo, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các khu vực, tập trung vào việc mở rộng quy mô sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng, và đồng bộ hóa chính sách toàn cầu. Ngành hàng không cần đảm bảo nguồn cung ổn định các nguyên liệu thô carbon thấp, khuyến khích các thực hành bền vững, và thúc đẩy đầu tư vào đổi mới sáng tạo để thu hẹp khoảng cách giữa cung và cầu.

Tại Việt Nam, sự mở rộng nhanh chóng của thị trường hàng không mang lại cơ hội kịp thời để tích hợp SAF. Với sự nhấn mạnh ngày càng lớn vào tính bền vững và mục tiêu trung hòa carbon, Việt Nam có tiềm năng dẫn đầu khu vực trong việc ứng dụng SAF. Tuy nhiên, để điều này trở thành hiện thực, cần có các khoản đầu tư đáng kể vào các cơ sở sản xuất trong nước cũng như các khung chính sách mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không bền vững tại Việt Nam. Bằng cách hỗ trợ những nỗ lực này, Việt Nam không chỉ đóng góp vào các mục tiêu bền vững toàn cầu mà còn xây dựng một ngành hàng không sạch hơn và bền vững hơn trong tương lai.

Đối với các nhà lãnh đạo trong ngành hàng không, việc đón nhận SAF không chỉ là trách nhiệm môi trường mà còn là một quyết định kinh doanh chiến lược. Ứng dụng SAF mang đến cơ hội đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững quốc tế, giảm phát thải, và tăng cường khả năng hoạt động lâu dài, đồng thời nâng cao uy tín thương hiệu và thúc đẩy lợi nhuận bền vững.

Bằng cách thực hiện các bước đi chủ động ngay từ hôm nay, các nhà lãnh đạo ngành hàng không có thể định vị doanh nghiệp của mình ở vị trí tiên phong trong cuộc cách mạng hàng không xanh, đảm bảo sự phát triển trong một thế giới ngày càng chú trọng đến môi trường.

Phượng Lê

 

Nếu doanh nghiệp của bạn đang tìm kiếm những kết nối nguồn lực phù hợp để triển khai các giải pháp giảm thiểu lãng phí thực phẩm một cách hiệu quả, hãy kết nối ngay với BambuUP!

Chúng tôi đã đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp hàng đầu như Heineken Việt Nam, FASLINK, DKSH Smollan, .. trong việc công bố các thách thức đổi mới sáng tạo mở. BambuUP tự hào là đối tác chiến lược đáng tin cậy, luôn hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động đổi mới sáng tạo và quá trình chuyển đổi xanh mạnh mẽ.

Để không bỏ lỡ những tin tức mới nhất hàng tuần về Đổi Mới Sáng Tạo xanh ở Việt Nam, bạn có thể:

Đã copy link

Chia sẻ:

Tin tức liên quan

Thumbnail InnovationUP.jpg
Thứ 3, 21/01/2025

Bao bì bền vững: 6 chiến lược tối ưu cho đường đua đổi mới sáng tạo xanh

Liệu bao bì có thể trở thành động lực thúc đẩy cuộc cách mạng xanh? Hãy tưởng tượng nhựa PET được biến hóa thành những viên kim cương nano lấp lánh, hay công nghệ hóa học đảo ngược giúp tái chế nhựa vô tận mà không bị giảm chất lượng! Từ nhựa sinh học làm từ tảo, bao bì nhôm có thể tái sử dụng hơn 70 lần, cho đến thìa và cốc ăn được, những đột phá đáng kinh ngạc này chứng minh rằng tư duy thiết kế xanh không chỉ thay đổi diện mạo và tính chất bao bì mà còn tái định hình tương lai bền vững của thế giới. Cùng BambuUP khám phá trong bài viết này!
Thumbnail InnovationUP.jpg
Thứ 6, 10/01/2025

Product-as-a-Service: Cách doanh nghiệp chuyển đổi để đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới

Bạn đã bao giờ cân nhắc việc thuê hệ thống năng lượng mặt trời, thiết bị hỗ trợ mặt đất tại sân bay, nệm thông minh hay thậm chí là các chậu cây cảnh trang trí trong văn phòng thay vì mua đứt? Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưu tiên trải nghiệm và sự bền vững hơn sở hữu tài sản, mô hình Product-as-a-Service (PaaS) đã nổi lên như một giải pháp kinh doanh đột phá. Mô hình này đã thay đổi các ngành công nghiệp trên thế giới ra sao, và làm thế nào để doanh nghiệp Việt nắm bắt xu hướng này?
Thumbnail InnovationUP.jpg
Thứ 7, 28/12/2024

Quy định mới về khí thải tại Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp như thế nào?

Nghị định mới về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của Việt Nam. Không chỉ thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh, nghị định còn mở ra cơ hội vàng cho những lãnh đạo tiên phong đổi mới sáng tạo, đồng thời đặt ra thách thức không nhỏ trong việc cân bằng chi phí và hiệu quả. Làm thế nào để doanh nghiệp vượt qua trở ngại và tận dụng tối đa tiềm năng từ chính sách mới?