📖 MỤC LỤC BÀI VIẾT 📖
- 1. Ứng dụng đổi mới sáng tạo xanh trong khu vực công: Cơ hội cho sự tăng trưởng bền vững
- 2. Các thách thức khi đổi mới sáng tạo xanh trong khu vực công
- 3. Case studies: Anh và Na Uy đã triển khai các dự án xanh trong khu vực công ra sao?
- 4. Giải pháp về đổi mới sáng tạo xanh trong khu vực công cho Việt Nam
Đổi mới sáng tạo xanh trong khu vực công là chiến lược tích hợp các giải pháp bền vững vào hoạt động của các tổ chức nhà nước.
Một số ví dụ có thể kể đến như sử dụng năng lượng tái tạo cho xe buýt, hệ thống quản lý nước thông minh, phát triển mảng xanh trên tòa nhà công để giảm nhiệt độ đô thị, sử dụng vật liệu tái chế trong các công trình công cộng, và áp dụng công nghệ sinh học vào xử lý nước thải.
Những giải pháp này giúp giảm chi phí vận hành, tiết kiệm năng lượng, cải thiện môi trường sống, nâng cao chất lượng dịch vụ công và sức khỏe cộng đồng.
>>>Xem thêm: Tín Chỉ Carbon Là Gì? Thị Trường Tín Chỉ Carbon Ở Việt Nam
1. Ứng dụng đổi mới sáng tạo xanh trong khu vực công: Cơ hội cho sự tăng trưởng bền vững
Khu vực công đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Ông Olivier Boutellis-Taft, CEO của Accountancy Europe, đã khẳng định rằng:
Chuyển đổi bền vững sẽ không thể xảy ra nếu không có sự dẫn đầu từ khu vực công.
Đổi mới sáng tạo xanh trong khu vực công mang lại nhiều lợi ích thiết thực, bao gồm giảm phát thải carbon, nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, và cải thiện chất lượng đất, không khí và nước. Một báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính rằng các chính sách giao thông và năng lượng xanh có khả năng giảm đến 30% lượng CO2 thải ra từ các đô thị trong vòng 20 năm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Bên cạnh đó, các sáng kiến này không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp chính phủ tiết kiệm chi phí vận hành. Tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng trong các tòa nhà công cộng hay quản lý chất thải thông minh đều giúp giảm chi phí dài hạn, đồng thời tạo ra các giá trị bền vững về kinh tế và xã hội. Đổi mới sáng tạo xanh vì vậy không chỉ là một giải pháp môi trường mà còn là chiến lược dài hạn cho sự phát triển toàn diện của khu vực công.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có khung báo cáo quốc tế nào giúp các chính phủ đo lường và báo cáo về cách họ giải quyết các thách thức bền vững toàn cầu. Vì vậy, hiện đang có rất nhiều khó khăn, thách thức khi áp dụng đổi mới sáng tạo xanh trong khu vực công.
>>>Xem thêm: Đổi Mới Sáng Tạo Mở (Open Innovation): Mô Hình Đột Phá Giúp Tăng Tốc Đổi Mới Sáng Tạo
CEO của Accountancy Europe phát biểu về vai trò của khu vực công trong việc chuyển đổi bền vững (Nguồn: IFAC 2023)
2. Các thách thức khi đổi mới sáng tạo xanh trong khu vực công
Mặc dù khu vực công đã nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo xanh, việc thực hiện vẫn gặp nhiều trở ngại. Bên cạnh thách thức về khung báo cáo tiêu chuẩn toàn cầu như đã nêu, các quốc gia còn đang phải đối diện với các vấn đề nghiêm trọng khác.
Đầu tiên, một trong những trở ngại lớn nhất là thiếu ngân sách. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19 đã buộc nhiều quốc gia phải chuyển hướng tài chính công sang việc phục hồi kinh tế, dẫn đến cắt giảm chi tiêu cho các dự án xanh và thay đổi các ưu tiên tài trợ. Điều này đã làm gián đoạn hoặc trì hoãn các nỗ lực đổi mới sáng tạo xanh và quá trình chuyển đổi bền vững do chính phủ dẫn dắt.
Bên cạnh đó, áp lực từ các ngành công nghiệp phát thải cao cũng gây trở ngại rất lớn cho việc ban hành các quy định bảo vệ môi trường chặt chẽ hơn. Hàng năm, 5 công ty dầu khí lớn nhất thế giới là BP, Shell, ExxonMobil, Chevron, và Total đã chi hàng triệu USD để vận động hành lang nhằm trì hoãn, kiểm soát hoặc chặn các chính sách khí hậu. Điều này khiến chính phủ thiếu sự ủng hộ về mặt chính sách cần thiết để triển khai các sáng kiến xanh theo đúng mục tiêu của Hiệp định Paris.
Các công ty dầu khí lớn nhất TG vận động hành lang để ngăn chặn các chính sách về khí hậu (Nguồn: Forbes 2019)
Thêm vào đó, kế hoạch và triển khai kém hiệu quả cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của nhiều dự án xanh. Một số dự án thất bại do chính phủ không tính đến các yếu tố quan trọng như thời gian, quy trình mua sắm công phức tạp, và thiếu kỹ năng chuyên môn để thực hiện các sáng kiến xanh.
Ví dụ, chương trình Green Homes Grant của Anh thất bại do thiết kế và triển khai quá vội vàng. Sự thiếu hợp tác giữa chính phủ và ngành công nghiệp, các thủ tục hành chính rườm rà cùng thời gian thực hiện quá ngắn, đã khiến các nhà thầu không kịp đáp ứng nhu cầu.
Chương trình được khởi động vào tháng 9/ 2020 với mục tiêu cải tạo 600.000 ngôi nhà nhằm nâng cao hiệu suất năng lượng, vốn dự kiến kéo dài đến tháng 3/ 2022. Tuy nhiên, vì các nguyên nhân trên, chương trình đã bị ngừng sớm vào tháng 3 năm 2021, chỉ sau 6 tháng triển khai. Chỉ một phần nhỏ trong ngân sách 2 tỷ bảng Anh được sử dụng, dẫn đến nhiều đơn đăng ký không được xử lý.
Chương trình Green Homes Grant của Anh năm 2020 (Nguồn: Green Match 2024)
Bên cạnh đó, việc thiếu sự tham gia tích cực của công chúng và thiếu minh bạch trong các chính sách xanh cũng là những yếu tố hàng đầu góp phần làm chậm lại tiến trình phát triển bền vững.
Những bài học này nhấn mạnh rằng để đổi mới sáng tạo xanh trong khu vực công thành công, các tổ chức chính phủ cần phải có sự cam kết mạnh mẽ và lâu dài về tài chính, đảm bảo quản lý chính sách rõ ràng, đồng thời thúc đẩy sự tham gia tích cực từ cộng đồng và các bên liên quan.
Việc thiết lập các cơ chế giám sát hiệu quả, minh bạch trong quá trình thực hiện, và tối ưu hóa quy trình là cũng là những điều kiện tiên quyết góp phần tạo động lực và đảm bảo sự bền vững cho các sáng kiến xanh trong dài hạn.
>>>Xem thêm: Đổi mới sáng tạo xanh: Ý tưởng hay, thực tế khó
3. Case studies: Anh và Na Uy đã triển khai các dự án xanh trong khu vực công ra sao?
Na Uy và Anh là hai trong số những quốc gia phát triển đã thành công trong việc triển khai đổi mới sáng tạo xanh vào khu vực công, không chỉ nhờ vào các sáng kiến cụ thể mà còn nhờ vào việc giải quyết hiệu quả các thách thức đã đề cập trước đó.
Trước tiên, để vượt qua rào cản ngân sách, Na Uy đã thành lập các cơ quan như Siva, Hội đồng Nghiên cứu Na Uy, và Enova SF, cũng như tích cực tham gia vào các chương trình tài trợ quốc tế như Horizon 2020 để đảm bảo nguồn đầu tư công ổn định cho các dự án xanh.
Tại Anh, Ngân hàng Đầu tư Xanh Vương quốc Anh (UK Green Investment Bank - UK GIB) được thành lập với mục tiêu sử dụng ngân sách công để chia sẻ rủi ro và thu hút đầu tư tư nhân. Kết quả, tổ chức này đã huy động thành công 2.3 tỷ bảng Anh từ gần 100 nhà đầu tư cho 58 dự án cơ sở hạ tầng xanh về năng lượng tái tạo, cơ sở tái chế chất thải thành năng lượng,..v..v.. với tổng giá trị hơn 10 tỷ bảng Anh và mức lợi nhuận dự kiến hơn 10%. Ngoài ra, Chính phủ còn hợp tác với các nhà đầu tư khu vực tư nhân để lập Quỹ Phát Triển Sạch (Clean Growth Fund), hỗ trợ cho sự phát triển của các công nghệ kỹ thuật xanh.
GIB đã hiện thực hóa các dự án cơ sở hạ tầng xanh trị giá 10 tỷ bảng Anh (Nguồn: Green Investment Group 2015)
Các phương pháp này không chỉ giúp khu vực công giải quyết khó khăn về ngân sách mà còn tăng cường quy mô đầu tư vào các sáng kiến xanh.
Bên cạnh đó, cả hai quốc gia đều chú trọng đến việc tạo ra các chính sách hỗ trợ và hợp tác với các bên liên quan để giải quyết các thách thức về triển khai, quản lý dự án hiệu quả và đảm bảo tính minh bạch của các sáng kiến xanh.
Tại Na Uy, các dự án như chương trình Innovation Partnership Scheme và Innovation Contract Scheme đã tăng cường sự tham vấn và hợp tác giữa chính phủ với các bên liên quan từ giai đoạn đầu, bao gồm doanh nghiệp, trường đại học, cơ quan nghiên cứu và người dân địa phương, nhằm đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ và thực hiện suôn sẻ các sáng kiến đổi mới bền vững.
Tương tự, tại Anh, theo Báo Cáo Đổi Mới Sáng tạo 2023, việc mở rộng quyền truy cập miễn phí vào dữ liệu giao thông thành phố thông qua API của dự án Transport for London (TfL) đã tạo điều kiện cho các công ty công nghệ phát triển hơn 700 ứng dụng giao thông thông minh, giảm khí thải, từ đó khuyến khích sự tham gia của cả cộng đồng và doanh nghiệp.
Dự án Smart Meter Implementation Programme ở Anh cũng là một minh chứng nổi bật cho tính minh bạch. Thông qua việc cung cấp dữ liệu mở về tiêu thụ năng lượng cho công chúng, giúp khách hàng theo dõi chính xác mức sử dụng năng lượng của mình, từ đó tiết kiệm chi phí và giảm lượng khí thải. Đồng thời, chương trình cũng giúp các công ty năng lượng quản lý tài nguyên hiệu quả hơn, đơn giản hóa các quy trình và phát hiện gian lận trong tiêu thụ điện. Từ đó, chương trình giúp giảm phát thải CO2 và tiết kiệm lên đến 1.5 tỷ bảng Anh cho nền kinh tế Anh quốc.
Dự án Smart Meter UK đem lại lợi ích kinh tế to lớn cho tất cả các bên liên quan (Nguồn: Telefonica IoT 2013)
>>>Xem thêm: Chuyển đổi xanh tại Nhật Bản: Vượt qua văn hóa né tránh thất bại để vươn lên
4. Giải pháp về đổi mới sáng tạo xanh trong khu vực công cho Việt Nam
Để mở rộng phạm vi áp dụng các sáng kiến chuyển đổi xanh, các tổ chức công ở Việt Nam có thể học hỏi từ những phương pháp đã thành công ở các quốc gia khác, ví dụ như Anh và Na Uy trong hai case studies trên.
Đầu tiên là thu hút đầu tư tư nhân thông qua các quỹ kết hợp công - tư như UK Green Investment Bank, Clean Growth Fund và tận dụng quỹ quốc tế, ví dụ Horizon 2020, để đảm bảo nguồn vốn cho các dự án xanh.
Tiếp theo là việc đảm bảo tính minh bạch và công khai trong các dự án đổi mới sáng tạo xanh bằng cách cung cấp dữ liệu mở miễn phí, như cách Anh đã thực hiện với Transport for London và Smart Meter Implementation Programme. Chính sách cho phép công chúng giám sát và tham gia trực tiếp vào các sáng kiến xanh như vậy sẽ thu hút sự tham gia và ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng, qua đó tăng tính khả thi và bền vững của các dự án hơn.
Cuối cùng, Việt Nam có thể tham khảo cách Na Uy hợp tác, tham vấn ý kiến của các bên liên quan trong Innovation Contract Scheme và Innovation Partnership Scheme để đảm bảo tính hiệu quả trong triển khai và quản lý. Sự hợp tác giữa chính quyền, doanh nghiệp và các tổ chức khác sẽ giúp thúc đẩy quá trình thực hiện các sáng kiến xanh, đồng thời đảm bảo tính bền vững và lợi ích lâu dài cho quốc gia.
>>>Xem thêm: Lộ trình đổi mới sáng tạo nhìn từ Mỹ - Nhật và bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt
---InnovationUP: Chuỗi nội dung nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo doanh nghiệp. Chuỗi nội dung này là một loạt tài liệu hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, từ đó tạo ra giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.