InnovationUP#21: Tín chỉ carbon: Tài sản mới trong tương lai bền vững

Giá giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam hiện đang dao động trong khoảng từ 5 USD đến 17 USD/tấn CO2. Doanh nghiệp Việt Nam sẽ đáp ứng làn sóng FDI xanh thế nào, nhất là khi công nghiệp chế tạo, chế biến chiếm tỉ trọng đầu tư gần 70%?

Cầu tăng cao, cung hạn chế: Giá bán tín chỉ carbon dựa vào đâu?

Trên hành trình thuận dòng phát triển kinh tế bền vững của nhiều quốc gia trên thế giới, dòng vốn FDI, đầu tư tài chính thế hệ mới dần tập trung vào các doanh nghiệp, nhà máy và khu công nghiệp xanh. Trước mục tiêu chung đó, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Nền tảng đổi mới sáng tạo BambuUP tổ chức Hội thảo "Đổi mới sáng tạo Xanh cho Nhà máy và Khu công nghiệp: Thuận dòng để phát triển bền vững" nhằm hỗ trợ doanh nghiệp là các KCN, nhà máy cập nhật xu hướng, tiếp cận và ứng dụng công nghệ chuyển đổi xanh liền mạch, hiệu quả

Phát biểu trong phiên thảo luận, ông Vũ Trung Kiên - Chuyên gia tín chỉ carbon - Giám đốc công ty NRG – Tan Nguyen JSC và Quản lý dự án SETS (Smart Emission Trading System) nhận định: “Kể từ năm 2021, nhu cầu về tín chỉ carbon đã tăng vọt lên mức từ 8.000 đến 13.000 triệu tấn mỗi năm. Trong khi đó, lượng cung đã điều chỉnh xuống còn khoảng 8.000 triệu tấn mỗi năm để cân bằng với tình hình mới dưới tác động của thỏa thuận COP26 và các cam kết quốc tế về giảm phát thải”.

>>> Xem thêm: Những mô hình mới giải quyết vấn đề rác thải hữu cơ từ thực phẩm

Toàn cảnh Hội thảo “Đổi mới sáng tạo Xanh cho Nhà máy và Khu công nghiệp: Thuận dòng để phát triển bền vững”
Toàn cảnh Hội thảo “Đổi mới sáng tạo Xanh cho Nhà máy và Khu công nghiệp: Thuận dòng để phát triển bền vững”

Sự chênh lệch ngày càng rõ rệt giữa nhu cầu tăng cao và nguồn cung hạn chế đã tạo ra áp lực lên giá tín chỉ carbon. Trước bối cảnh đó, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức để tham gia vào thị trường tín chỉ carbon toàn cầu. Một trong những nội dung thu hút nhiều sự chú ý tại Hội thảo đó là làm thế nào, doanh nghiệp chuyển đổi các nỗ lực sản xuất xanh thành tín chỉ carbon - "bản vị" của tương lai.

Giá giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam hiện đang dao động trong khoảng từ 5 USD đến 17 USD/tấn CO2. Mức giá 5 USD/tấn CO2 được ghi nhận trong thỏa thuận giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với Ngân hàng Thế giới, nhằm hỗ trợ các hoạt động giảm phát thải carbon thông qua bảo vệ và phục hồi rừng tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đây là một thỏa thuận hợp tác đặc biệt, chưa phải là giao dịch tín chỉ carbon chính thức trên một thị trường có quy định rõ ràng.

“Để tăng giá trị, tín chỉ carbon cần được các tổ chức quốc tế uy tín thẩm định và chứng nhận, qua đó đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong quá trình giảm phát thải” -  Ông Vũ Trung Kiên - Chuyên gia tín chỉ carbon, diễn giả Hội thảo cho biết.

Ngoài ra, ông Vũ Trung Kiên cũng chia sẻ về một số dự án tại Việt Nam đạt được mức giá tín chỉ carbon lên đến 17 USD/tấn CO2. Theo ông, việc các tín chỉ này tạo ra sinh kế cho cộng đồng và bảo tồn đa dạng sinh học đã góp phần nâng cao giá trị của chúng. Từ đó cho thấy giá trị của tín chỉ carbon còn có thể được nâng cao hơn nữa nếu đi kèm với những tác động tích cực khác.

>>> Xem thêm: Thị trường carbon Châu Á và bài học chiến lược cho Việt Nam

 

Tận dụng thế mạnh công nghiệp để phát triển tín chỉ carbon tại Việt Nam

Tại hội thảo, các diễn giả đã đưa ra những khuyến nghị cụ thể để các doanh nghiệp chế xuất có thể xây dựng lộ trình xanh hóa bền vững. Đồng thời, các chuyên gia cũng đã nhấn mạnh tiềm năng to lớn của các nhà máy sản xuất, khu công nghiệp Việt Nam trong việc giảm phát thải khí nhà kính và thu được lợi ích từ thị trường tín chỉ carbon.

Theo đó, Việt Nam sở hữu một lợi thế cạnh tranh đáng kể là các quá trình công nghiệp hiện có. Tuy nhiên, trong quá khứ, việc quá chú trọng vào các tiêu chuẩn quốc tế đã khiến nhiều doanh nghiệp bỏ qua tiềm năng này. Thực tế, các tiêu chuẩn quốc tế cũng đặt ra yêu cầu cao về hiệu quả hoạt động của các quá trình công nghiệp.

"Chúng ta chỉ cần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu lãng phí, thì tự khắc sẽ giảm được lượng khí thải. Và khi được quốc tế công nhận, những nỗ lực này sẽ được chuyển đổi thành tín chỉ carbon có giá trị", ông Kiên cho biết. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp chế xuất và các khu công nghiệp, việc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả năng lượng là những giải pháp tối ưu để giảm phát thải và tạo ra nguồn thu từ tín chỉ carbon.

Liên quan đến việc kiểm kê khí nhà kính, diễn giả khuyến nghị các doanh nghiệp nên chủ động công bố lượng phát thải càng sớm càng tốt. "Việc công bố lượng phát thải hiện tại sẽ giúp doanh nghiệp xác định được điểm xuất phát và đặt ra mục tiêu giảm phát thải rõ ràng. Đây cũng là cơ sở để tính toán và xác nhận lượng tín chỉ carbon mà doanh nghiệp có thể nhận được trong tương lai", ông Kiên giải thích.

Theo ông Kiên, việc đánh giá toàn diện các nguồn phát thải đòi hỏi doanh nghiệp phải xem xét ba yếu tố chính:
- Phát thải trực tiếp: Bao gồm lượng khí thải phát sinh trực tiếp từ các hoạt động sản xuất tại nhà máy, như quá trình đốt nhiên liệu, vận hành máy móc, thiết bị.
- Phát thải gián tiếp: Liên quan đến lượng khí thải phát sinh từ việc tiêu thụ điện năng, hơi nước và các nguồn năng lượng khác mà doanh nghiệp mua từ bên ngoài.
- Phát thải trong chuỗi cung ứng: Đây là lượng khí thải phát sinh từ các hoạt động liên quan đến chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, quá trình vận chuyển, phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Theo lộ trình hiện tại, năm 2025 sẽ là năm cơ sở để đánh giá lượng giảm phát thải của các doanh nghiệp. Do đó, việc bắt đầu quá trình kiểm kê và công bố sớm sẽ giúp các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh. 

>>> Xem thêm: Product-as-a-Service: Cách doanh nghiệp chuyển đổi để đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới

 

Lộ trình cho doanh nghiệp trong thời kỳ “cá nhanh nuốt cá lớn”

Trong bài chia sẻ về Thế giới BANI với sự định hình bởi các công nghệ xanh, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành của Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo BambuUP đã chia sẻ về mức độ yêu cầu ngày càng cao của thị trường và xã hội đối với sứ mệnh bền vững. “Không chuyển đổi xanh = Không còn hoạt động kinh doanh” - chuyển đổi xanh cần phải trở thành một chiến lược cấp thiết để các doanh nghiệp sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư xanh và đảm bảo các tác động bền vững trong một thế giới BANI khó lường. 

Từ góc nhìn về vai trò của các khu công nghiệp sinh thái, ông Trần Anh Đông - Giám đốc CAS Energy đã chia sẻ về thế khó của các nhà máy chế xuất để Việt Nam tham gia và cạnh tranh hiệu quả khi luật chơi “Sản xuất Xanh - Xuất khẩu Xanh” ngày càng siết chặt. Ông Đông chỉ ra rằng việc chuyển đổi xanh đặt các doanh nghiệp sản xuất vào thế khó về nhiều mặt: tài chính, nguồn lực, chính sách hỗ trợ… nhất là trong giai đoạn khởi tạo và vận hành. 

Trong khi đó, ông Trần Thiên Long - Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam (VIREA) lại nhấn mạnh những lợi ích kinh tế và môi trường mà các mô hình nhà máy xanh, khu công nghiệp xanh và khu công nghiệp sinh thái mang lại. Các case-study thành công từ các doanh nghiệp hàng đầu như Unilever Củ Chi, Bluescope và Savipharm đã minh chứng rõ ràng cho xu hướng này. Ông Long cũng giới thiệu 5 cấp độ tiêu chí đánh giá cho nhà máy và khu công nghiệp xanh, giúp doanh nghiệp có một lộ trình chuyển đổi rõ ràng, bao gồm: cam kết xanh, hoạt động xanh, hệ thống xanh, văn hóa xanh, mạng lưới xanh.

Hội thảo thu hút sự quan tâm đăng ký tham dự của hơn 150 khu công nghiệp, nhà máy, doanh nghiệp sản xuất tại TP.HCM. Các nội dung chia sẻ của Hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy các định hướng quan trọng theo Đề án “Định hướng phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn giai đoạn 2023 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” của UBND TP.HCM; Đề án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; Đề án thành lập Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh. Thúc đẩy tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Thông qua hội thảo, ITPC và BambuUP hy vọng sẽ tạo ra cơ hội để doanh nghiệp được hỗ trợ, kết nối để tiến hành hiện thực hóa chuỗi giá trị tuần hoàn với công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi mới sáng tạo xanh.

>>> Xem thêm: Cách nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) đang tái định hình tương lai ngành hàng không

--- 

InnovationUP: Chuỗi nội dung nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo doanh nghiệp. Chuỗi nội dung này là một loạt tài liệu hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, từ đó tạo ra giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Các chuyên gia tham gia phiên thảo luận.
Các chuyên gia tham gia phiên thảo luận

Đã copy link

Chia sẻ:

Tin tức liên quan

Bìa 1.png
Thứ 6, 24/01/2025

Công nghệ giúp đối mặt với rối loạn tâm lý

Vấn đề sức khỏe tâm lý và cảm xúc ngày nay đang trở nên báo động khi tỷ lệ rối loạn tâm lý như trầm cảm và lo âu gia tăng đáng kể. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hơn 264 triệu người trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi trầm cảm, trong đó nhiều người không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc phù hợp. Áp lực từ công việc, học tập và sự thay đổi xã hội nhanh chóng là những yếu tố góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng này, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về các giải pháp hỗ trợ sức khỏe tâm lý toàn diện và dễ tiếp cận. Để giải quyết những vấn đề này, rất nhiều startup đã thúc đẩy những sáng kiến sáng tạo để cái thiện đời sống tâm lý của mọi người.
Thumbnail InnovationUP.jpg
Thứ 3, 21/01/2025

Bao bì bền vững: 6 chiến lược tối ưu cho đường đua đổi mới sáng tạo xanh

Liệu bao bì có thể trở thành động lực thúc đẩy cuộc cách mạng xanh? Hãy tưởng tượng nhựa PET được biến hóa thành những viên kim cương nano lấp lánh, hay công nghệ hóa học đảo ngược giúp tái chế nhựa vô tận mà không bị giảm chất lượng! Từ nhựa sinh học làm từ tảo, bao bì nhôm có thể tái sử dụng hơn 70 lần, cho đến thìa và cốc ăn được, những đột phá đáng kinh ngạc này chứng minh rằng tư duy thiết kế xanh không chỉ thay đổi diện mạo và tính chất bao bì mà còn tái định hình tương lai bền vững của thế giới. Cùng BambuUP khám phá trong bài viết này!
Bìa 1.png
Thứ 6, 17/01/2025

Tương lai mới của thực phẩm: Muôn hình vạn trạng của Protein

An ninh lương thực đang đối mặt với áp lực lớn khi nhu cầu lương thực tăng cao, trong khi các trại chăn nuôi gây ra phát thải khí nhà kính khổng lồ, tiêu tốn tài nguyên và làm suy thoái môi trường. Bên cạnh đó, vấn đề đạo đức trong giết mổ động vật ngày càng được chú ý, đặt ra câu hỏi về cách cân bằng giữa nhu cầu thực phẩm và trách nhiệm với môi trường, động vật, và xã hội. Đọc ngay về 4 startup tiên phong trong FoodTech tuần này!