🎄 MỤC LỤC BÀI VIẾT 🎄
- 🎁 1. Thụy Điển đứng top 2 bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu trong 2 năm liền
- 🎁 2. Chính phủ Thụy Điển luôn đi đầu dẫn dắt khu vực công - tư trong ĐMST xanh
- 🎁 3. Người dân Thụy Điển có nhận thức cao về vấn đề môi trường và ủng hộ các sáng kiến xanh
- 🎁 4. Doanh nghiệp Thụy Điển tích cực hưởng ứng các sáng kiến xanh và hướng tới phát triển bền vững
Liên tiếp giữ hạng 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index) năm 2023 - 2024, Thụy Điển đã khẳng định vai trò lãnh đạo của mình trong cuộc cách mạng đổi mới sáng tạo trên toàn thế giới, đặc biệt trong các dự án xanh và phát triển bền vững. Vậy điều gì dẫn đến sự thành công của quốc gia Bắc Âu này? Cùng BambuUP tìm hiểu qua bài viết sau nhé!
1. Thụy Điển đứng top 2 bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu trong 2 năm liền
Thụy Điển từ lâu đã được xem là hình mẫu tiêu biểu trong việc áp dụng công nghệ xanh và thúc đẩy phát triển bền vững. Quốc gia này liên tục giữ hạng 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index) năm 2023 - 2024. Với chi tiêu cho R&D chiếm 3,4% GDP (hạng 5 thế giới) và tỷ lệ 9.929,2 nhà nghiên cứu trên một triệu dân (hạng 1 thế giới) [1], Thụy Điển khẳng định vị thế hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển và khả năng “chịu chi” cho đổi mới sáng tạo.
Đặc biệt, quốc gia này dẫn đầu về cơ sở hạ tầng và khả năng sử dụng năng lượng thấp carbon đạt 70,4% - cao thứ 4 thế giới, khẳng định cam kết với các giải pháp đổi mới bền vững. Đồng thời, với 6,7% GDP đầu tư vào giáo dục , Thụy Điển đảm bảo nền tảng vững chắc về nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục dẫn đầu cuộc cách mạng đổi mới sáng tạo toàn cầu [1].
>>> Xem thêm: Tín Chỉ Carbon Là Gì? Thị Trường Tín Chỉ Carbon Ở Việt Nam
Các chỉ số và xếp hạng của Thụy Điển trong danh sách Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2024 (Nguồn: WIPO)
Bên cạnh đó, Thụy Điển còn đứng đầu Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Bền vững Toàn cầu (Global Sustainable Competitiveness Index) từ năm 2020-2023 , chứng minh vị thế tiên phong và tính cạnh tranh hàng đầu của quốc gia này trong lĩnh vực phát triển bền vững. Đây là bộ công cụ đánh giá toàn diện nhất về hiệu suất quốc gia hiện nay, dựa trên hơn 200 chỉ số định lượng được thu thập từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc [16].
Bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Bền vững Toàn cầu 2023 (Nguồn: SolAbility)
2. Chính phủ Thụy Điển luôn đi đầu dẫn dắt khu vực công - tư trong ĐMST xanh
Năm 1967, Thụy Điển là quốc gia đầu tiên thành lập Cơ quan Bảo vệ Môi trường - Naturvårdsverket. Năm 1972, hội nghị quốc tế về môi trường đầu tiên - "Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất lần thứ nhất" [24] của Liên Hợp Quốc được chủ trì bởi Thụy Điển, đặt nền móng cho sự ra đời của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP).
Từ năm 1995 - 2001, đất nước này liên tục tạo nên các cột mốc quan trọng trên hành trình bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững, như đi đầu trong việc áp dụng thuế carbon để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, phê chuẩn Hiệp định khí hậu quốc tế ‘Nghị định thư Kyoto’ để giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu, và tham gia Hiệp định Stockholm nhằm loại bỏ sản xuất và sử dụng các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (persistent organic pollutants [5].
>>> Xem thêm: Đổi Mới Sáng Tạo Mở (Open Innovation): Mô Hình Đột Phá Giúp Tăng Tốc Đổi Mới Sáng Tạo
Thụy Điển chủ trị "Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất lần thứ nhất" năm 1972 (Nguồn: SGK Planet)
Để hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp, startups công nghệ xanh và đổi mới sáng tạo , chính phủ khởi động và tham gia vào hàng loạt các dự án quỹ như Quỹ Đầu tư Công nghệ Xanh Almi trị giá 120 triệu EUR [8], Sáng kiến Đầu tư Mạo hiểm Thụy Điển (SVI) trị giá 582 triệu SEK [7], Quỹ Đổi mới Sinh học với ngân sách 50 triệu SEK/ năm [9], đóng góp 8 triệu SEK vào Quỹ Khí hậu Xanh của Liên Hợp Quốc [10],..v..v..
Để giảm rác thải và thúc đẩy tái chế , chính phủ Thụy Điển yêu cầu mỗi hộ gia đình phân loại và đưa rác thải đến các điểm thu gom tái chế - được bố trí không quá 300 mét từ mọi khu dân cư [11].
Bên cạnh đó, Thụy Điển còn ban hành luật về "Mở rộng Trách nhiệm của nhà sản xuất" (Extended Producer Responsibility - EPR) . Theo đó, các nhà sản xuất có trách nhiệm đảm bảo khả năng tái chế cho: bao bì sản phẩm, pin, lốp xe, ô tô, rác thải điện tử, dược phẩm, và tạp chí/ các loại giấy in. Tất cả các nhà sản xuất bao bì đóng gói (packaging) phải ký hợp đồng với một Tổ chức trách nhiệm nhà sản xuất (Producer Responsibility Organization - PRO) - đơn vị được thành lập nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất thực hiện nghĩa vụ pháp lý của mình trong việc quản lý vòng đời sản phẩm, đặc biệt trong các khâu thu gom, tái chế và xử lý - nhằm quản lý chất thải bao bì [12] [13]. Nhờ vậy, 1.8 triệu chai/ lon nước ở quốc gia này được tái chế mỗi năm [15].
>>> Xem thêm: Product-as-a-Service: Cách doanh nghiệp chuyển đổi để đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới
Luật Extended Producer Responsibility - EPR của Thụy Điển giúp giảm rác thải bao bì và sản phẩm (Nguồn: Sưu tầm)
Ngoài ra, Hệ thống hoàn tiền đặt cọc (Pant) cho chai nhựa và lon nhôm đã được vận hành xuyên suốt từ những năm 1984-1994 đến nay, cho phép người tiêu dùng Thụy Điển nhận lại tiền đặt cọc khi trả lại vỏ chai, lon tại hơn 4.000 máy hoàn tiền tự động hoặc các điểm thu gom quy định trên toàn quốc. Luật cũng đặt ra các mục tiêu tái chế cụ thể, yêu cầu bao bì nhựa và nhôm (có áp dụng hệ thống hoàn tiền đặt cọc) phải đạt tỷ lệ tái chế 90% mỗi năm, trong khi tất cả các loại bao bì đóng gói phải đạt tỷ lệ tái chế tối thiểu 65% cho đến năm 2029 và 70% từ năm 2030 trở đi [13].
Hệ thống Pant hoàn tiền đặt cọc cho người tiêu dùng khi trả lại vỏ chai, lon (Nguồn: Sưu tầm)
Không dừng lại ở đó, nhằm khuyến khích kéo dài vòng đời sản phẩm , giảm thiểu tình trạng vứt bỏ sản phẩm hư hỏng và giảm lượng khí thải từ tiêu dùng, chính phủ Thụy Điển đã cải cách hệ thống thuế, giảm 50% phí VAT - từ 25% còn 12% - cho dịch vụ sửa chữa các món hàng nhỏ như quần áo, xe đạp, máy giặt, xe đạp.
Đối với các sản phẩm lớn hơn, ví dụ tủ lạnh, lò nướng hay máy rửa bát, người tiêu dùng cũng có thể yêu cầu hoàn lại một nửa chi phí lao động sửa chữa thông qua thuế thu nhập, tối đa đến 25.000 SEK mỗi năm [14]. Thành phố Eskilstuna là nơi đặt ReTuna - Trung tâm mua sắm đầu tiên trên thế giới dành riêng cho các sản phẩm đã qua sử dụng, tái chế và bền vững , tập trung vào việc bán lại, sửa chữa, và tái chế các mặt hàng [15].
>>> Xem thêm: Bức tranh toàn cảnh về Đổi mới sáng tạo ở Thụy Điển
Trung tâm thương mại ReTuna ở Eskilstuna, Thụy Điển (Nguồn: Sưu tầm)
Nhìn vào loạt hành động và chính sách vì môi trường của Thụy Điển, có thể thấy rõ mức độ nghiêm túc của quốc gia này đối với đổi mới sáng tạo xanh.
Sự quyết tâm và nỗ lực này đã ảnh hưởng sâu sắc đến thái độ và nhận thức của người dân, cũng như các doanh nghiệp, về các vấn đề chống biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở Thụy Điển.
>>> Xem thêm: Cách nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) đang tái định hình tương lai ngành hàng không
3. Người dân Thụy Điển có nhận thức cao về vấn đề môi trường và ủng hộ các sáng kiến xanh
Tại Thụy Điển, nhận thức của công chúng về sự bền vững và biến đổi khí hậu đặc biệt cao ngày càng trở nên rõ rệt qua các hành động thực tế.
Theo khảo sát ‘Quan điểm của công chúng về khí hậu’ do Gullers Grupp - Cơ quan thúc đẩy thay đổi và tạo tác động xã hội - thực hiện vào năm 2018, 95% người Thụy Điển tin rằng đất nước sẽ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, và 81% tin vào khả năng của Thụy Điển trong việc giảm thiểu tác động của mình đối với khí hậu [2].
>>> Xem thêm: Những mô hình mới giải quyết vấn đề rác thải hữu cơ từ thực phẩm
Hơn 80% người dân tin vào khả năng giảm biến đổi khí hậu của Thụy Điển (Nguồn: Gullers Grupp)
Các kết quả khảo sát cho thấy người dân Thụy Điển sẵn sàng thay đổi thói quen tiêu dùng để bảo vệ môi trường. Cụ thể, 78% - 93% người dân sẵn sàng đi tàu thay vì máy bay, mua các thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng, và giảm tiêu thụ năng lượng tại nhà. Khoảng 60% sẵn sàng ăn ít thịt hơn và sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn [2].
Một khảo sát của Báo cáo Chỉ số Thương hiệu Bền vững (Sustainable Brand Index) cũng cho thấy rằng 68% người tham gia cho biết yếu tố bền vững có ảnh hưởng nhất định/ lớn đến quyết định mua sắm của họ [4].
Khảo sát về mức độ ảnh hưởng của yếu tố bền vững lên quyết định mua hàng của người dân Thụy Điển (Nguồn: SB Insight)
Thêm vào đó, kết quả từ Khảo sát Khí Hậu hàng năm được ủy thác bởi Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) cũng đã chỉ ra: 94% người dân Thụy Điển cho rằng việc thích ứng với biến đổi khí hậu là điều quan trọng đối với đất nước, và hơn phân nửa (52%) thậm chí cho rằng việc này cần được ưu tiên. Công chúng cũng mạnh mẽ ủng hộ việc đầu tư vào các biện pháp thích ứng với khí hậu, với 84-85% đồng ý rằng các khoản đầu tư này là cần thiết và cấp bách để tránh chi phí cao hơn trong tương lai, đồng thời tạo ra việc làm và thúc đẩy nền kinh tế địa phương [17].
Những con số ấn tượng trên không chỉ phản ánh sự nhận thức sâu rộng về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường mà còn cho thấy một xã hội sẵn sàng hành động để hướng đến một tương lai bền vững.
>>> Xem thêm: Thị trường carbon Châu Á và bài học chiến lược cho Việt Nam
4. Doanh nghiệp Thụy Điển tích cực hưởng ứng các sáng kiến xanh và hướng tới phát triển bền vững
Hơn nữa, 62% doanh nghiệp đã đặt ra và theo dõi các mục tiêu về khí thải nhà kính (GHG), 53% doanh nghiệp đã đầu tư vào việc giải quyết các tác động của sự kiện thời tiết và giảm phát thải carbon, và hơn 63% có kế hoạch đầu tư vào những lĩnh vực này trong 3 năm tới. Các hành động chính bao gồm giảm thiểu chất thải và tái chế (70%), đầu tư và phát triển phương tiện giao thông bền vững (65%) và hiệu quả năng lượng (59%). So với các doanh nghiệp ở khối Liên minh Châu Âu (EU) nói chúng, các công ty Thụy Điển có xu hướng đầu tư vào các phương tiện giao thông bền vững và các lĩnh vực kinh doanh và công nghệ mới, ít gây ô nhiễm hơn [18].
Hàng loạt tập đoàn lớn như Volvo, HRM, và IKEA ở Thụy Điển đã tích cực đầu tư vào năng lượng tái tạo và sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tại Volvo Cars, việc áp dụng nền kinh tế tuần hoàn đã được chú trọng từ năm 2019. Công ty đã tăng cường sử dụng vật liệu tái chế trong sản xuất xe, và hiện tại, tỷ lệ vật liệu tái chế trong các mẫu xe mới cao hơn bao giờ hết. Ví dụ, gần 25% nhôm trong Volvo EX30 là từ vật liệu tái chế, trong khi khoảng 17% thép và nhựa trong xe cũng đến từ nguồn tái chế. Volvo Cars đặt mục tiêu sử dụng 30% vật liệu tái chế trên toàn bộ đội xe của mình vào năm 2030, và các mẫu xe mới ra mắt từ năm 2030 sẽ chứa ít nhất 35% vật liệu tái chế. Đồng thời, công ty cũng hướng tới việc đảm bảo 99% tổng lượng chất thải sản xuất toàn cầu của mình sẽ được tái sử dụng hoặc tái chế vào năm 2030, so với tỷ lệ 94% trong năm 2022 [23].
Ngoài việc áp dụng nền kinh tế tuần hoàn, Volvo Cars còn cam kết mạnh mẽ với mục tiêu bền vững. Tất cả các nhà máy của Volvo tại châu Âu đã sử dụng 100% điện sạch, và nhà máy Torslanda ở Thụy Điển đã đạt được trạng thái trung hòa carbon hoàn toàn [21]. Những nỗ lực này phản ánh cam kết của Volvo trong việc giảm thiểu tác động môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành công nghiệp ô tô.
>>> Xem thêm: Nông nghiệp xanh tại Singapore: Bước tiến bền vững cho ngành nông nghiệp
Nhà máy sản xuất Volvo ở Torslanda, Thụy Điển đã đạt trạng thái 100% trung hòa carbon (Nguồn: Volvo)
Thụy Điển là thị trường đầu tiên mà IKEA triển khai dịch vụ này, cho phép khách hàng mua điện năng tái tạo với giá phải chăng, đồng thời theo dõi lượng điện sử dụng qua ứng dụng di động. Những khách hàng đã mua tấm pin năng lượng mặt trời từ IKEA còn có thể theo dõi sản lượng điện tự tạo và bán lại lượng điện không sử dụng. Sáng kiến này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn góp phần bảo vệ hành tinh, mở rộng khả năng tiếp cận năng lượng bền vững cho nhiều người dân hơn [22].
Thụy Điển là thị trường đầu tiên mà IKEA triển khai dịch vụ cung cấp điện năng tái tạo từ năng lượng mặt trời và gió (Nguồn: IKEA)
H&M Thụy Điển cũng đang bắt đầu hành trình góp phần xanh hóa ngành thời trang với nhiều sáng kiến xanh độc đáo. Chẳng hạn, năm 2023, 94% điện năng toàn cầu trong các hoạt động của công ty đã đến từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ điện của H&M từ năm 2011 đến 2023 (Nguồn: Statista)
Từ năm 2020, khách hàng của H&M tại Stockholm có thể biến những món đồ cũ không còn sử dụng thành trang phục mới thông qua hệ thống tái chế trang phục cũ sang trang phục mới mang tên Looop. Với hệ thống này, H&M sẽ làm sạch quần áo cũ, sau đó cắt chúng thành sợi và kéo chúng thành sợi mới, rồi dệt thành những món đồ thời trang mới [15].
>>> Xem thêm: 5 công cụ tài chính giúp doanh nghiệp rút ngắn khoảng cách giữa kỳ vọng và hành động khi thực hành ESG
Hệ thống Looop giúp H&M chuyển những món thời trang cũ thành sản phẩm mới (Nguồn: H&M)
Gần đây, nhà bán lẻ này đã khởi động "Sáng kiến Thời trang Xanh" bằng cách lắp đặt 3 công nghệ nhuộm và hoàn thiện hiện đại tại Chorka Textile, một nhà cung cấp quan trọng ở Bangladesh.
Dự án này đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chiến lược chuỗi cung ứng của H&M, nhằm giảm thiểu tác động môi trường thông qua đổi mới công nghệ. Sáng kiến này tích hợp các công nghệ sáng tạo từ Revozona (Thụy Sĩ), imogo (Thụy Điển) và Pluvia (Thổ Nhĩ Kỳ) vào dây chuyền sản xuất của Chorka, giúp giảm đáng kể việc tiêu thụ nước, hóa chất và năng lượng, đồng thời giảm giảm 92% lượng phát thải CO2 trong khâu chuẩn bị vải [23].
Chẳng hạn, Strega cung cấp công nghệ sản xuất thép không phát thải bằng cách sử dụng hydro xanh, với mục tiêu giảm hơn 7 triệu tấn CO2 mỗi năm khi nhà máy hoàn thành vào năm 2030 [19]; Altris đưa ra giải pháp pin sodium giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo [20]; còn Cresponix phát triển công nghệ nuôi cá và tôm trên đất liền, sử dụng hệ thống tuần hoàn nước khép kín cho phép tái sử dụng 100% lượng nước nuôi trồng, giảm 20% chi phí sản xuất, đồng thời cải thiện sức khỏe vật nuôi và chất lượng hương vị tôm cá. Cresponix đang tiến hành thử nghiệm quy mô lớn tại Thụy Điển và dự kiến thương mại hóa công nghệ này trên toàn cầu vào năm 2026 theo mô hình nhượng quyền [25].
>>> Xem thêm: Lộ trình đổi mới sáng tạo nhìn từ Mỹ - Nhật và bài học kinh nghiệm cho doanh nghiệp Việt
Quy trình sản xuất thép xanh không phát thải của Strega (Nguồn: Strega)
Tuy nhiên, tỷ lệ các công ty nhỏ thích nghi với ‘cuộc cách mạng’ đổi mới sáng tạo xanh vẫn còn hạn chế. Theo theo Cơ quan Phát triển Kinh tế và Khu vực Thụy Điển, công ty càng lớn thì càng có khả năng bán các sản phẩm thân thiện với môi trường và có chiến lược môi trường chủ động ngoài việc tuân thủ các quy định pháp lý. Điều này khiến các công ty nhỏ có thể bị bỏ lại phía sau khi các chiến lược phát triển bền vững ngày càng tiến xa và nhanh [7].
Tỷ lệ SMEs bán các sản phẩm/ dịch vụ thích nghi với môi trường (Nguồn: Euromonitor)
Nhìn chung, các công ty Thụy Điển, từ lớn đến nhỏ, đang nỗ lực tích hợp các thực hành bền vững vào hoạt động của mình, từ việc giảm thiểu chất thải và khí thải đến việc áp dụng các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào mục tiêu, chiến lược, và hoạt động của doanh nghiệp. Những nỗ lực này được hỗ trợ bởi khung pháp lý khuyến khích tính bền vững và bởi người tiêu dùng, những người ưu tiên các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường.
Ngành năng lượng xanh ở Thụy Điển không chỉ đóng góp vào một tương lai bền vững mà còn tạo ra những cơ hội kinh doanh mới. Từ các công ty khởi nghiệp phát triển công nghệ xanh sáng tạo đến các doanh nghiệp đã có tên tuổi mở rộng danh mục năng lượng tái tạo, ngành này đang trở thành một phần sôi động trong nền kinh tế Thụy Điển. Khi thế giới ngày càng hướng tới các giải pháp bền vững, sự lãnh đạo của Thụy Điển trong năng lượng xanh và phát triển bền vững càng củng cố vị thế cạnh tranh của quốc gia này trên trường quốc tế [19].
Phượng Lê.
—----
Nếu doanh nghiệp của bạn đang tìm kiếm những kết nối nguồn lực phù hợp để ’tiến quân’ vào thị trường đổi mới sáng tạo xanh ở Thụy Điển một cách hiệu quả, hãy kết nối ngay với BambuUP!
Chúng tôi đã đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp hàng đầu như Heineken Việt Nam, FASLINK, DKSH Smollan, MAB Solutions, VCCI .. trong việc công bố các thách thức đổi mới sáng tạo mở và tổ chức các chuyến học tập & kết nối đổi mới sáng tạo Quốc tế cho doanh nghiệp. BambuUP tự hào là đối tác chiến lược đáng tin cậy, luôn hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động đổi mới sáng tạo và quá trình chuyển đổi xanh mạnh mẽ.
Để không bỏ lỡ những tin tức mới nhất hàng tuần về Đổi Mới Sáng Tạo xanh ở Việt Nam, bạn có thể: