Mô hình đổi mới sáng tạo tương tác kết hợp công nghệ và nhu cầu thị trường, giúp doanh nghiệp nhanh chóng phát triển sản phẩm từ ý tưởng đến thương mại hóa. Từ nghiên cứu và phát triển (R&D) đến sản xuất và tiếp thị, mô hình này tối ưu hóa thông tin và nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng bền vững. Khám phá cách áp dụng mô hình này để nâng cao hiệu quả và thành công cho doanh nghiệp của bạn.
Mô hình đổi mới sáng tạo tương tác là sự kết hợp giữa công nghệ và thị trường, khi một ý tưởng mới có thể xuất phát từ xu hướng công nghệ hiện hữu hoặc từ nhu cầu của thị trường/xã hội. Dù vẫn ở giai đoạn sơ khai, mô hình đổi mới sáng tạo tương tác đã có những cải tiến đáng kể. Tổ chức quy trình được cải thiện, với cốt lõi vẫn là Nghiên cứu và Phát triển (R&D), Sản xuất (Manufacturing) và Tiếp thị (Marketing) để tạo ra một sản phẩm có khả năng thương mại hóa thay vì ở trong kho sáng chế.
Về mặt hình thức, mô hình này có điểm tương đồng với mô hình đổi mới sáng tạo tuyến tính. Tuy nhiên, tính “tương tác” và cơ chế phản hồi trong mô hình này giúp cho các kênh thông tin không bị nhiễu loạn.
Chính vì vậy, có một sự thật là trật tự đổi mới sáng tạo tương tác không phải lúc nào cũng cố định. Quy trình đổi mới sáng tạo tương tác có thể được nhìn nhận dưới dạng các giai đoạn chức năng, nhưng vẫn phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau chứ không tách bạch, rời rạc (Rothwell và Zegveld, 1985).
Trong mô hình đổi mới sáng tạo tương tác, các liên kết với cơ sở khoa học và thị trường diễn ra giữa tất cả các giai đoạn chức năng. Ví dụ: Chức năng sản xuất có thể khởi đầu một cải tiến thiết kế, đòi hỏi R&D phát triển vật liệu mới.
Các nghiên cứu gần đây về mô hình đổi mới sáng tạo tương tác đã đặt ra 3 lưu ý cho doanh nghiệp, tập đoàn:
- Thị trường luôn là động lực cốt lõi của đổi mới sáng tạo;
- Năng lực của doanh nghiệp, tập đoàn ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ công nghệ và dự đoán nhu cầu thị trường
- Các nguồn lực đổi mới sáng tạo bên ngoài và bên trong tổ chức đều quan trọng như nhau.
Hình ảnh nhà khoa học tay cầm ống nghiệm, mắt nhìn kính hiển vi, hô to “Eureka” và tìm ra những công thức thay đổi nhân loại… thực chất chỉ là sản phẩm của phim ảnh và các phương tiện truyền thông. Trên thực tế, không phải nỗ lực đổi mới sáng tạo nào - cũng có thể tạo ra một cuộc cách mạng. Trái lại, để tạo ra một kết quả đổi mới sáng tạo, các nhà quản lý kinh tế cần tích lũy thông tin - thông qua các nghiên cứu khoa học, cũng như các thành tựu đổi mới sáng tạo trên thị trường.
Dựa trên mô hình đổi mới sáng tạo tương tác, Chesbrough (2003) áp dụng góc nhìn chiến lược kinh doanh và cho ra đời một định nghĩa mới, mang quá trình đổi mới sáng tạo đã bước sang một kỷ nguyên mới: “Sự kết nối trong hệ sinh thái đóng vai trò trung tâm của Đổi mới sáng tạo mở”.
Cụ thể, các công ty/tổ chức/cá nhân ngày càng linh động hơn, họ sẵn sàng kết nối ý tưởng với bất cứ công ty nào có khả năng phát triển chúng.
Theo đó, tổng thể quy trình đổi mới sáng tạo mở là một hệ thống các luồng thông tin phức tạp. Những luồng thông tin này hoạt động như dòng chảy chạm tới mọi khía cạnh bên trong và bên ngoài của bộ máy tổ chức. Cơ chế trao đổi thông tin xuyên suốt này minh họa cho khả năng của tổ chức trong nỗ lực liên kết với cả thị trường và cơ sở khoa học, tạo ra những kết quả đổi mới sáng tạo (hình minh họa).
Và khả năng quản lý quy trình này, chính là “bí quyết” đổi mới sáng tạo thành công.
Ngày nay, tiến trình đổi mới sáng tạo đang phát triển ngày càng nhanh, kéo theo nhiều loại hình mới: Phòng thí nghiệm đổi mới sáng tạo (Innovation Labs), Vốn đầu tư mạo hiểm dưới dạng dịch vụ (VCaaS), Hợp tác và Liên kết (Partnerships and Collaborations), Đầu tư nội bộ vào doanh nghiệp khởi nghiệp (Venture Builder).
Không phải 100% doanh nghiệp đều có đủ kinh nghiệm và nguồn lực nội bộ để tìm kiếm các phương thức đổi mới sáng tạo phù hợp. Dữ liệu từ một Báo cáo về tình hình đổi mới sáng tạo năm 2023 cho biết, nhiều doanh nghiệp xây dựng chiến lược đổi mới sáng tạo mở chưa phù hợp với thị trường và thực tiễn kinh doanh. Trên thực tế, “cơn khát thông tin” là nỗi đau chung của nhiều doanh nghiệp tham gia hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở.
Để dòng chảy đổi mới sáng tạo mở đóng góp vào tiến trình phát triển doanh nghiệp, việc lựa chọn nền tảng phù hợp đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh những hình thức kết nối truyền thống, sự phát triển của công nghệ, tự động hóa cho ra đời nhiều nền tảng kết nối tự động trên thế giới, thúc đẩy cả hệ sinh thái khởi nghiệp lẫn động thái cởi mở vấn đề từ doanh nghiệp, tập đoàn.
Các nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo này tận dụng được những ưu thế của các hình thức kết nối truyền thống, mở rộng phạm vi tiếp cận đến nguồn lực đổi mới sáng tạo đa dạng. Các nền tảng này cũng đóng vai trò cầu nối, thúc đẩy trao đổi các tài nguyên thông tin, công nghệ, tài chính… giữa các chủ thể đổi mới sáng tạo, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và tăng tính hiệu quả.
Tóm lại, mô hình đổi mới sáng tạo tương tác là sự kết hợp giữa công nghệ và nhu cầu thị trường, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình từ R&D, sản xuất đến tiếp thị. Để khám phá thêm về các nguồn lực hỗ trợ đổi mới sáng tạo, BambuUP đồng hành tư vấn quá trình thực thi đổi mới sáng tạo mở hiệu quả, vững tâm từng bước.
---
InnovationUP: Chuỗi nội dung nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo doanh nghiệp. Chuỗi nội dung này là một loạt tài liệu hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, từ đó tạo ra giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Nhi Thiệu