Các mô hình có thể giải thích được động lực giúp doanh nghiệp thiết lập tầm nhìn và chiến lược đổi mới sáng tạo. Song, những mô hình này đôi lúc bị thách thức bởi nhiều yếu tố từ vận hành. InnovationUP#15 phân tích những thách thức mà doanh nghiệp thường gặp phải khi triển khai đổi mới sáng tạo, đồng thời đề xuất các giải pháp để khắc phục những thách thức này thông qua case-study từ Apple.
Nhiều doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo nhưng thiếu đi cơ cấu tổ chức hỗ trợ triển khai. Nhân sự có kiến thức và kỹ năng về đổi mới sáng tạo đang là nhu cầu cấp thiết để đưa kế hoạch thành hiện thực. Hiện tại, các doanh nghiệp thường gặp khó khăn với quy trình thu thập ý tưởng thủ công, tốn kém và chưa thu hút được nguồn lực cộng đồng.
Việc thiếu công cụ nền tảng, thiếu quy trình quản lý hiệu quả dẫn đến việc doanh nghiệp bỏ lỡ nhiều ý tưởng tiềm năng và cản trở thương mại hóa ý tưởng đổi mới sáng tạo. Do vậy, để thực thi đổi mới sáng tạo mở hiệu quả, doanh nghiệp cần thiết lập quy trình quản lý đổi mới sáng tạo bài bản, minh bạch, bền vững.
Đã có nhiều khảo sát diễn ra trong các năm gần đây nhằm tìm ra các tác nhân và mức độ ảnh hưởng của chúng đến quy trình quản lý đổi mới sáng tạo doanh nghiệp. Một nghiên cứu của Tập đoàn tư vấn Boston đã tiết lộ và phân tích một số ví dụ: IBM nổi bật với khả năng đổi mới sáng tạo thông qua chia sẻ bằng sáng chế. Còn BMW tập trung vào đổi mới sáng tạo trong thiết kế, định hướng xu hướng trong ngành công nghiệp ô tô.
Tuy nhiên, không có “công thức” chung nào áp dụng được cho mọi doanh nghiệp.
Đổi mới sáng tạo chưa bao giờ là một cuộc cách mạng hay khoảnh khắc “Eureka” đơn lẻ. Thay vào đó, đổi mới sáng tạo là một quy trình phức tạp cần được quản lý chặt chẽ, đòi hỏi nỗ lực tham gia đóng góp từ rất nhiều phòng ban trong tổ chức. Bên cạnh những ý tưởng đột phá, đổi mới sáng tạo cũng chú trọng những thay đổi vi mô, mang tính tích lũy cao, được thực hiện bởi từng cá nhân trong tổ chức.
Cơ cấu tổ chức triển khai đổi mới sáng tạo đặt ra thách thức cho các phương pháp quản lý truyền thống, đồng thời đòi hỏi các nhà quản lý áp dụng cách tiếp cận mới. Ngoài vấn đề chuyên môn, các cấp quản lý giờ đây cần liên tục cập nhật các xu hướng quản trị mới, có thể kể đến: Quản lý trong môi trường số (virtual management), Quản lý phi thẩm quyền (managing without authority), Chia sẻ quyền lãnh đạo (shared leadership) hay Quản lý mạng lưới quan hệ (building extensive networks)
“Chúng tôi không thực sự nói về thiết kế, chúng tôi nói về việc phát triển ý tưởng và tạo ra sản phẩm”
Jonathan Ive là nhà thiết kế tài năng người Anh định hướng Giao diện Người dùng (Human Interface), đổi mới diện mạo và cảm giác của những sản phẩm Apple tiêu biểu trong hơn một thập kỷ qua. Đóng vai trò chủ chốt trong việc thiết kế iMac, Jonathan đã góp phần vực dậy Apple sau giai đoạn khó khăn vào những năm 1990. Ông cũng là người đứng sau “Cách mạng ngành công nghiệp âm nhạc” iPod, tạo ra cơn sốt thay đổi hoàn toàn cách mọi người nghe nhạc. Có thể xếp Jonathan Ive vào hàng ngũ những nhà thiết kế có ảnh hưởng nhất thế giới.
Trong những bài giảng với sinh viên, Ive thường xuyên nhấn mạnh tầm quan trọng của các quy trình chặt chẽ trong việc sáng tạo các sản phẩm như iPad hay iMac. Ive và nhóm của ông không chỉ thiết kế các bản vẽ sản phẩm. Họ thường xuyên tham gia hoàn thiện quy trình sản xuất để biến những ý tưởng táo bạo thành hiện thực. “Chúng tôi không thực sự nói về thiết kế, chúng tôi nói về việc phát triển ý tưởng và tạo ra sản phẩm” - Ive nhận định.
Jonathan Ive cũng thuộc về một nhóm thiểu số những người từng công khai thừa nhận những sản phẩm đổi mới sáng tạo thất bại, bao gồm Apple USB Mouse (1998-2000) và Apple TV. Ông cho biết, có lúc mọi thứ gần như hoàn thiện, giải pháp được tìm ra, nhưng bản thân ông lại cảm thấy “hụt hẫng” vì những giá trị cốt lõi của dự án chưa được truyền tải một cách rõ ràng và thuyết phục.
“Đó là dấu hiệu cảnh báo rằng dự án có thể chưa thực sự tốt như kỳ vọng. Trong những trường hợp như vậy, nhóm chúng tôi đã có những lần rà lại quy trình, quản trị rủi ro để đưa ra quyết định hủy bỏ một dự án dù đã dồn nhiều tâm huyết.”
Jonathan Ive cũng chia sẻ về triết lý làm việc đề cao sự chuyên nghiệp nhưng cũng không kém phần linh hoạt tại Apple. Ông cho biết, tại Apple, mỗi cá nhân đều được khuyến khích tập trung vào lĩnh vực chuyên môn của mình. Tuy nhiên, khi bước vào quá trình phát triển sản phẩm, ranh giới giữa các chuyên ngành trở nên mờ nhạt hơn.
“Khi chúng tôi cùng nhau phát triển một sản phẩm, bạn sẽ khó có thể phân biệt được ai là kỹ sư điện, ai là nhà thiết kế công nghiệp, ai là kỹ sư cơ khí,” Ive chia sẻ.
Đổi mới sáng tạo không phải chỉ đơn giản là một khoảnh khắc lóe sáng mà là một quy trình phức tạp, yêu cầu sự quản lý chặt chẽ. Quy trình đổi mới sáng tạo mở bài bản là trách nhiệm của toàn bộ tổ chức. Do đó, doanh nghiệp, tập đoàn cần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo đến từng tế bào của tổ chức, giúp tăng cường sự linh hoạt và khả năng thích nghi của doanh nghiệp trước những thay đổi và cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường hiện nay.
---
InnovationUP: Chuỗi nội dung nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo doanh nghiệp. Chuỗi nội dung này là một loạt tài liệu hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, từ đó tạo ra giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Nhi Thiệu